SỐNG TỈNH THỨC
“Nếu ngươi không tỉnh thức, thì Ta sẽ đến như kẻ trộm,
ngươi chẳng biết giờ nào Ta sẽ đến bắt chợt ngươi.” (Kh 3, 3)
Từ ngữ Tỉnh Thức được
lập lại 12 lần trong Tân Ước, mời gọi ta hãy cảnh giác mình trong từng giây
phút sống. Đó là ý thức phản tỉnh trong từng tư tưởng, lời nói, việc làm, và
trong mọi trạng huống của đời sống, để sống trong ánh sáng của chân lý và tình
yêu. Tỉnh thức để nhận ra Chúa, Đấng luôn âm thầm lặng lẽ đến với ta trong mọi
lúc. R. Tagore chia sẻ cảm nhận về Đấng Toàn Năng như sau:
“Bạn không nghe thấy bước chân
Người thầm lặng đó sao? Người tới và luôn luôn thường tới.
Người tới và luôn luôn thường tới
hằng giờ, hằng đêm, hằng ngày, hằng thời đại…
Người tới và luôn luôn thường tới
qua lối đi nho nhỏ trong rừng, vào những ngày Xuân đượm nắng ngạt ngào.
Người tới và luôn luôn thường tới
trên xe mây ầm ầm tiếng sấm, vào những đêm Thu mưa ướt tối mù.
Bước chân Người đã dẫm lên tim
tôi đang ôm nặng những nỗi buồn dai dẳng. Khi niềm vui trong tôi ngời sáng, ấy
là do chân Người vàng óng chạm vào”.
Mùa Vọng nhắc ta lần đến đầu tiên của Con Thiên Chúa, và nhắc ta chuẩn bị
lần đến cuối cùng của Ngài. Giữa hai lần ấy có biết bao lần Ngài đến bất ngờ.
Thiếu tỉnh thức ta sẽ đánh mất nhiều cơ hội gặp gỡ Ngài. Điều đáng sợ hơn cả là
mất đi cơ hội cuối cùng trong đời mình. Phải luôn tỉnh thức vì ta dễ bị ru ngủ
bởi những hoan lạc trần thế. Trái tim ta dễ bị trì trệ nặng nề về những lo lắng
trần gian. Cả những lo lắng chính đáng cũng có thể kéo ta đi xa, khiến ta mất
khả năng dừng lại và quên đi lẽ sống đích thực. Thế giới hôm nay có nhiều thứ
gây ngủ, gây mê. Vì thế, tỉnh thức là thái độ hiện sinh của người Kitô hữu để
không rơi vào tối tăm, lầm lạc, nhưng luôn hân hoan đi trong ánh sáng của niềm
hy vọng vào chính Chúa, Đấng cứu độ chúng ta.
1. Thế nào là tỉnh thức?
Tỉnh (醒): hết say sưa, không mê muội, thôi mơ
tưởng.
Thức (識): nhận ra, nhận biết.
Người tỉnh thức là người không có ảo tưởng về bản thân và cuộc đời; không
nhầm lẫn mộng tưởng với thức tại; không còn mê muội, mơ hồ, nhưng là người nhận
biết mình đang biết: biết về thực trạng
của bản thân mình; biết về thực chất
của mọi việc trần thế; biết về thực tại
của mọi biến chuyển xung quanh, để có thể sống thực tâm với Chúa, thực tình với
mọi người, và thực tế trước mọi hoàn
cảnh.
Người sống tỉnh thức là người sống có lý tưởng, có một định hướng siêu
việt, nghĩa là luôn hướng đến Chân, Thiện, Mỹ, để luôn tư tưởng và hành động
trong sự khôn ngoan và đạo đức.
Người tỉnh thức cũng chính là người sống đẹp từng giây phút hiện tại, nghĩa
là sống toàn tâm, toàn ý trong từng công việc, từng bổn phận, từng mối quan hệ
với tâm hồn đầy yêu mến.
Tỉnh thức cũng là giác ngộ, vì giác ngộ là tỉnh ra mà thấu rõ chân
lý, không còn để mình sống trong sự lầm lạc và tối tăm. Giống như mặt trời ló
rạng sau một đêm: ánh sáng bừng lên xua tan bóng tối, khiến mọi vật lộ rõ bộ
mặt thật của chúng. Tâm hồn của những người tỉnh thức cũng thế, nhờ Mặt Trời
chân lý chiếu soi tự thâm tâm, họ nhìn thấy mọi cái đúng với bản sắc và thực
chất của chúng, nên tâm hồn đầy bình an, thanh thản, và ung dung tự tại bước đi
trong ánh sáng.
2. Điều kiện để sống tỉnh thức
Điều
kiện quan trọng nhất của tỉnh thức là sống trọn vẹn trong giây phút này. Nếu ta
cứ bám vào quá khứ hoặc mãi đợi chờ một tương lai, là ta đang đánh mất sự sống
đích thực của chính mình (x. Mt 6, 34). Sống như vậy là để xác một nơi, hồn một
nẻo, nên tâm không an, trí không sáng. Cứ mong cho mọi sự được xảy ra theo ý
của mình, buồn lòng vì người này, khổ tâm vì người kia, chán nản vì điều nọ, là
đặt mình trong tình trạng không tỉnh thức. Những tình trạng đó làm cho nguồn
lực trong ta bị phát tán, năng lực bị phân tán. Những xáo trộn ngổn ngang sẽ
kích hoạt tưởng tượng mạnh hơn, các sung năng sôi động hơn, tâm hệ bị lay
chuyển nguy hại hơn. Mọi nỗ lực và giải pháp khác đều vô hiệu nếu không tỉnh
thức.
Tỉnh thức ở đây là tập trung mọi năng lực của
tâm, trí, hồn, xác, vào giây phút hiện tại, để thống nhất toàn thể con người
mình cho một sự sống đang diễn ra trước mắt. Đừng luyến tiếc một điều gì đã
qua, đừng quá ham muốn một điều gì sẽ đến, cũng đừng đòi hỏi nó phải khác đi.
Hiện tại là như thế, không thể khác đi. Có thay đổi được gì thì cũng là do mình
đã thay đổi cái nhìn và thái độ. Hiện tại không áp đặt lên ta điều gì, nó là
một món quà được trao tặng (present = món quà; hiện tại). Nếu ta đón nhận toàn
tâm, toàn ý, thì hiện tại mở ra cho ta những khả năng mới đang tiềm ẩn trong
chính mình, để thích nghi và hòa hợp, để sáng tạo và làm cho cuộc sống thêm
phong phú.
Thánh Phaolô đã lưu ý chúng ta: “Lúc
này là lúc thuận tiện. Hôm nay là ngày cứu độ” (2Cr 6, 2). Các thánh đã
sống tuyệt hảo giây phút hiện tại theo gương Chúa, Đấng chỉ có hiện tại, không
có quá khứ hay tương lai. Thiên Chúa phán cùng Ngôi Con: “Hôm nay Ta đã sinh ra con”. Hôm nay là của Chúa, giây phút hiện
tại này là vĩnh cửu. Lúc hấp hối, T. Teresa đã nói: “Tôi chỉ thấy giây phút hiện tại, quên hết quá khứ và cảnh giác tương
lai”. Biết rằng, trong các bí tích, Thiên Chúa tự hiến cho ta một cách đặc
biệt hơn, nhưng mọi khoảnh khắc hiện tại đều trao ban Thiên Chúa cho ta. Nên
hiện tại, một cách nào đó, cũng là bí tích thường hằng, là dấu chỉ sự hiện hữu
tiềm mặc của Thiên Chúa, nên mọi lãng phí thời gian đều là phạm thánh.
Chỉ có hiện tại nằm trong vòng tay của chúng ta, sẵn sàng giúp ta dàn trải
tư tưởng và hành động trong cuộc sống, hầu cảm nhận nét bút kỳ diệu của Thiên
Chúa trên những đường cong trong cuộc đời mình. Khi mời gọi chúng ta sống tỉnh
thức, Chúa Giêsu muốn chúng ta sống triệt để giây phút hiện tại, nghĩa là tập trung toàn bộ năng lực cho sự phát khởi
cao đẹp nhất của một tư tưởng, một hành vi, một thái độ, một tâm tình, một phản
ứng với tất cả sự đáp ứng tích cực. Như vậy sống tỉnh thức là sống phẩm chất
cao nhất với tất cả sự ý thức của tâm hồn mình trong từng công việc, từng con
người, từng hoàn cảnh.
Kinh nghiệm bản thân cho ta thấy rằng, nhiều lúc ta hiện hữu nhưng không
hiện diện, hiện diện nhưng không hiện thực toàn tâm toàn ý với tất cả tình yêu
thương. Thiếu sự hiện diện này ta sẽ cảm thấy trơ trọi với chính
mình, với những bước đi hụt hẩng, nặng nề trong từng ngày theo Chúa. Để đạt tới
sự hiện diện đích thực đòi hỏi một
quá trình tu tập bản thân lâu dài. Nó là kết quả của sự chìm sâu trong cầu
nguyện mỗi ngày. Có kinh nghiệm về sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa, ta mới
biết sống đích thực sự hiện diện của mình. Bởi đó, việc ưu tiên trong chương trình sống của chúng ta hằng ngày phải
là: đong đầy tình yêu thương trong từng giây phút hiện tại đi qua trong đời.
3. Hai dụ ngôn về tỉnh thức
- Năm cô khờ dại và năm cô
khôn ngoan (Mt 25, 1-13).
Khờ dại trong tiếng Hy Lạp là Môros.
Thánh Matthêu cũng dùng tĩnh từ này khi nói về người xây nhà trên cát, ngụ ý
nói tới người nghe Lời Chúa mà không đem ra thực hành (7, 26-27). Một lần khác
(23, 17) Mt cũng dùng tính từ này để nói tới những người biệt phái câu nệ lề
luật một cách vụn vặt không còn nhận ra cái gì là chính yếu trong bậc thang giá
trị.
Kết hợp lại những điều
trên thì khờ dại không phải là không biết điều mình phải làm, nhưng biết
mà đã không làm. Nó diễn tả một cuộc sống thiếu ý thức và chỉ tìm an vị thoải
mái cho bản thân mình, đưa đến một thái độ tiêu cực, hờ hững, khô khan, nguội
lạnh và quên xót trong nhiệm vụ của mình. Đến lúc nguy kịch thì lại nhờ vả vào
kẻ khác. Nhưng rồi tới lúc người khác không thể làm gì hơn cho mình được, có
van nài cũng vô ích : “Các chị nên ra
hàng mua thì hơn”. Van nài Chúa cũng vậy thôi : “Ta bảo thật, ta không biết các ngươi là ai”.
Khi người ta không biết
tự cứu mình, nghĩa là không biết chuẩn bị cho mình điều tối cần thì Chúa cũng
bó tay, bởi vì điều đó thuộc quyền tự do con người. Theo nghĩa đó thì ngày Chúa
đến cũng không phải là điều bất ngờ. Bất ngờ là vì mình đã không sống điều mình
phải sống, không có điều mình phải có. Đang khi đó thì ta lại cứ hướng đến
những điều phụ thuộc: lo làm những cái không cần làm, lo có những cái không cần
có. Chúa cũng đã trách Matta “Con lo lắng
bối rối về nhiều chuyện quá, chỉ có mộ điều cần mà thôi”. Cần có những điều
phụ thuộc để phát triển toàn diện đời sống làm người, nhưng nó phải qui hướng
và hổ trợ cho một điều chính yếu duy nhất là sự sống đời đời của mỗi người
chúng ta.
Còn từ khôn
ngoan trong tiếng Hy Lạp là Phronimos. Matthêu dùng để nói về
người xây nhà trên đá, nghĩa là đem Lời Chúa ra thực hành (x. 7, 24), và nói về
người môn đệ Chúa Giêsu phải Phronimoi như con rắn và đơn sơ như
chim bồ câu (x. 10, 16), cũng nói về người đầy tớ tín trung và phronimos
mà chủ
đã đặt lên… (x. 24, 25).
Như vậy, khôn
ngoan là vừa biết nhận định chính xác về sự việc, vừa kiên quyết thi
hành. Đây không phải chỉ là phán đoán của lý trí nhưng sâu xa hơn còn là sự yêu
mến của con tim. Chính vì thiếu tình yêu nên người ta dễ dàng sống chểnh mảng,
ươn lười, đánh mất ý thức về biến cố lớn nhất trong cuộc đời mình. Chỉ khi ở
trong tình yêu người ta mới biết phải hành động như thế nào và sống ra sao.
Tình yêu chính là sức mạnh để thắng vượt sự ươn lười chểnh mảng, và là động lực
sáng tạo để biết hành động cách khôn ngoan. Với trái tim yêu thương nồng thắm,
người ta mới biết luôn tỉnh thức để đón đợi người yêu của mình.
- Dụ ngôn những nén bạc (Mt 25,
14-30).
Ông chủ đã chọn mặt gởi
vàng, khi giao các nén bạc cho các tôi tớ. Ðiều ông quan tâm nhất không phải là
khả năng chuyên môn, nhưng là nhân đức của người tôi tớ. Chính nhân đức mới
quyết định thành bại cuộc đời. Điều quan trọng là họ phải có cái nhìn sáng suốt
và đặt tất cả niềm tin tưởng nơi ông chủ. Với niềm tin đó, hai người đầu tiên
đã trung thành và tích cực làm việc ngay cả khi ông chủ vắng mặt. Và rồi họ đã
vui mừng biết bao ngày ông chủ trở về với phần thưởng lớn lao dành cho họ. Niềm
vui tràn trề ! Vượt quá niềm tin và hi vọng, vì ai đã làm ra có thì đều được
cho thêm.
Tiếc thay người tôi tớ
thứ ba phải lãnh án bất hạnh chung thân. Một hoàn cảnh, hai số phận. Lý do thất
bại thảm thương của anh ta trước tiên là cái nhìn về ông chủ, một ông chủ hà
khắc “gặt nơi không gieo, thu nơi không
phát”. Anh ta đa không khôn ngoan sáng suốt đủ để thấy một ông chủ trung
tín và nhân hậu, nên đã không tin tưởng, dù ông chủ đã tin tưởng nơi anh ta. Lý
do thứ hai có lẽ nằm ngay trong tính khí của anh ta, là một người lười lĩnh,
muốn sống an nhàn, mà không có chút chí khí để nỗ lực vươn lên. Cuối cùng, anh
ta đã mất tất cả, mất ngay những gì mình đang có.
Thật ra, giá trị cuộc
đời không đo bằng số lượng của cải hay tài năng, nhưng bằng sự nhiệt tình và
lòng trung thành. Giả sử người đầy tớ nhận một nén hoàn toàn hài lòng và hành
động theo chỉ thị ông chủ, chắc chắn anh dư khả năng để hoàn thành nhiệm vụ, và
cũng tràn ngập niềm vui như hai người kia khi ông chủ trở về. Thế nhưng, cái
nhìn lệch lạc và tính khí tiêu cực của anh ta đã tạo nên một định mệnh oan nghiệt
cho mình. Hậu quả này cũng chính vì nguyên do không tỉnh thức trong tư tưởng và
hành động của mình.
4. Đặt lại vấn đề cuộc sống
Chúng ta hay đặt thành
nhiều vấn đề cho cuộc sống, nên phải cứ lo toan và đối đầu không ngừng. Cuộc
sống tự nó không phải là một vấn đề, vì bản chất của nó là một ân ban (x. Mt 6,
27). Điều khó khăn cho chúng ta là ôm đồm và lo lắng quá nhiều, đang khi đó chỉ
có “một điều cần nhất mà thôi” (Lc
10, 42). Sự kiện chỉ là sự kiện, và nó chỉ trở nên hữu ích khi ta chấp nhận nó
đúng với thực chất. Nỗi khổ chỉ nảy sinh từ việc ta chống cự lại với những sự
kiện thực tế, khiến cho tiến trình cuộc sống bị ngăn trở. Phản ứng thế nào khi
đứng trước những hoàn cảnh và biến cố mới là vấn đề.
Ta tưởng rằng mình quan
trọng mới làm thành vấn đề. Chính cái “Tôi” được lý tưởng hóa nơi bản thân ta
mới tạo ra các vấn đề, và từ đó gây ra xung khắc với chính mình, xung đột với
người khác. Cho dù theo lẽ tự nhiên, có những vấn đề được đặt ra trước mắt,
nhưng chúng không gay gắt như ta tưởng. Chỉ có cái “Tôi” mới làm nặng thêm cho
những vấn đề mà đáng lẽ không như vậy.
Cứ hãy bình tâm nhìn
lại chính mình, lột trần cái tham vọng của mình, để thấy mình chẳng có gì quan
trọng, chẳng có gì để đặt thành vấn đề như mình tưởng. Cho dù có những kế hoạch
tầm cỡ và những thành công lớn lao, cũng là chuyện bình thường phải có theo khả
năng và trách nhiệm mình đã được trao ban. Thật ra, có ta cũng vậy, không có ta
cũng thế. Nói vậy không phải phủ nhận sự hiện diện độc nhất vô nhị của mỗi
người, nhưng cần hiểu rằng, tất cả đang xuôi theo giòng chảy và nhịp điệu của
sự sống; tất cả đang nằm trong định hướng của Thiên Chúa và kế đồ quan phòng
siêu vượt của Ngài. Có quan trọng chăng là mỗi người phải trở nên chính mình
trong chương trình đó với tất cả sự tỉnh thức.
Tỉnh thức là cứ phải
luôn cẩn trọng, vì mọi thứ đều có màu sắc của mắt kính mình mang. Phải để cho
mình được nhìn trực tiếp, không qua lăng kính nào khác khiến cho thực tế bị
biến dạng. Nếu phải nhìn qua lăng kính nào khác thì phải là lăng kính của đức
tin, của lòng mến. Hơn nữa, cần phải để cho mình được sinh lại từng ngày với
đôi mắt tâm hồn trong sáng, với cái nhìn đã khơi trong gạn đục.
Sống tỉnh thức là cứ
phải tách mình ra khỏi những quan niệm trần tục, để dám suy nghĩ và hành động
theo lương tâm, dưới ánh sáng Lời Chúa, dưới sự soi dẫn của Thánh Linh. Chỉ ai
để cho mình sống trong Chúa và để cho Chúa sống trong mình, thì người đó mới có
thể sống tỉnh thức cách cao độ. Đó cũng là cao độ cũng đức tin, của lòng mến và
sự cậy trông.
Tóm lại, tỉnh thức chờ đợi là thái độ sống của
Mùa Vọng. Tỉnh thức là sẵn sàng đón Chúa với đèn sáng trong tay. Tỉnh thức là
trung tín chu toàn những điều bé nhỏ trong hiện tại. Tỉnh thức là tích cực đầu
tư những nén bạc Chúa trao. Dĩ nhiên điều quan trọng hơn hết của tỉnh thức là
đi đôi với cầu nguyện.
Lm. Thái Nguyên
1-12-2010
Thứ Ba tuần Bát nhật Phục sinh
Lời Chúa:
Ga 20,11-18
11 Khi ấy, bà Maria đang còn đứng gần mồ Chúa mà than khóc. Nhìn vào trong mồ, 12 bà
thấy hai thiên thần mặc áo trắng đang ngồi nơi đã đặt xác Chúa Giêsu,
một vị ngồi phía đàng đầu, một vị ngồi phía đàng chân. 13 Hai vị hỏi: "Tại sao bà khóc?" Bà trả lời: "Người ta đã lấy mất xác Chúa tôi và tôi không biết người ta đã để Người ở đâu?" 14 Vừa nói xong, bà quay mặt lại, thì thấy Chúa Giêsu đã đứng đó, nhưng bà chưa biết là Chúa Giêsu. 15 Chúa Giêsu hỏi: "Bà kia, sao mà khóc, bà tìm ai?"
Tưởng là người giữ vườn, Maria thưa: "Thưa ông, nếu ông đã mang xác Người đi, thì xin cho tôi biết ông đã đặt Người ở đâu, để tôi đến lấy xác Người". 16 Chúa Giêsu gọi: "Maria". Quay mặt lại, bà thưa Người: "Rabboni!" (nghĩa là "Lạy Thầy!"). 17 Chúa Giêsu bảo bà: "Đừng động đến Ta, vì Ta chưa về cùng Cha Ta. Nhưng hãy đi báo tin cho các anh em Ta hay và bảo họ rằng: Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha các con; về cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa các con".
18 Maria Mađalêna đi báo tin cho các môn đệ rằng: "Tôi đã trông thấy Chúa và Chúa đã phán với tôi những điều ấy".
Tưởng là người giữ vườn, Maria thưa: "Thưa ông, nếu ông đã mang xác Người đi, thì xin cho tôi biết ông đã đặt Người ở đâu, để tôi đến lấy xác Người". 16 Chúa Giêsu gọi: "Maria". Quay mặt lại, bà thưa Người: "Rabboni!" (nghĩa là "Lạy Thầy!"). 17 Chúa Giêsu bảo bà: "Đừng động đến Ta, vì Ta chưa về cùng Cha Ta. Nhưng hãy đi báo tin cho các anh em Ta hay và bảo họ rằng: Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha các con; về cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa các con".
18 Maria Mađalêna đi báo tin cho các môn đệ rằng: "Tôi đã trông thấy Chúa và Chúa đã phán với tôi những điều ấy".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét