Thứ Tư, 13 tháng 4, 2016

ĐỒNG HÀNH



ĐỒNG HÀNH
   “Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất... và sống gắn bó với nhau”(Ep 4, 3).

Đồng hành” “Song hành” “Sánh bước” là những cặp từ gợi lên hình ảnh của một đôi, một nhóm, hạy một cộng đồng người, cùng nắm tay tiếp sức nhau tiến về phía trước, một cách nhịp nhàng và đồng bộ. Nó cũng là những cặp từ được sử dụng nhiều nhất trong các cộng đoàn tu trì.  Đồng hành” với nhau, bên nhau, cùng nhau.
Tự thân cuộc sống luôn đầy ắp những thách thức, chông gai, những biến động không ngừng, và vô vàn những khó khăn va chạm. Vì thế sẽ là một may mắn, một diễm phúc có được những người Thầy, người bạn sẵn sàng hy sinh thời gian để “đồng hành” chia sẻ gánh nặng,  trợ giúp tinh thần, vật chất, tâm lý. Chính nghĩa cử cao đẹp của sự “Đồng hành” có khả năng gây hứng khởi, phát sinh động lực, gia tăng sáng tạo, năng động và giúp ta đủ nghị lực vượt khó. Vì thế “ Đồng hành” là một trong những hình thức hỗ trợ đắc lực nhất giúp mỗi người (bao gồm cả bậc kỳ cựu lẫn người non trẻ) có thể kiện toàn bản thân và hoàn thành cuộc đời.
Trong hành trình dâng hiến, những người bạn đồng hành quả là rất cần, rất thiết thực, thiết thân. Vì càng sống người ta càng khám phá ra nhiều điều mới mẻ, thậm chí nhiều điều ngớ ngẩn. Mỗi biến cố đời thường là một bài học vô giá, bài học không bao giờ có điểm dừng. Những bài học cuộc đời cứ liên tiếp diễn ra, trong nhiều cách thức khác nhau, muôn màu, muôn vẻ, gây choáng ngợp và làm mất phương hướng. Bạn đồng hành sẽ cùng ta tìm lại sự thăng bằng, tìm lại niềm tin bản thân, tìm lại những gì đã mất bằng cách học hỏi, thay đổi lối sống và tạo lại hứng khởi trong các hoạt động. Do vậy, nếu thiếu sự đồng hành, thiếu gắn bó và trợ lực lẫn nhau, đời sống cộng đoàn sẽ trở nên nghèo nàn, thất bại và đổ vỡ.
Một trong những yếu tố quan trọng để trưởng thành nhân bản là mở rộng tâm hồn về phía tha nhân để quan tâm, nâng đỡ, hỗ trợ, khuyến khích, sẵn sàng sánh bước trên hành trình lý tưởng. Trong cuộc sống không phải lúc nào người ta cũng có thể tự mình làm được hết mọi việc. Sức mạnh của mỗi người còn nằm ở người thân, bạn bè, những người luôn quan tâm, lo lắng, sẵn lòng giúp đỡ ta, sẵn sàng đồng hành cùng ta. Vì thế, bản thân mỗi người cũng cần ý thức và xây dựng chính mình, để có khả năng đồng hành với người khác, với cộng đoàn.
Thực tế trong các cộng đoàn tu trì, có những thành viên đã không hiểu được tầm quan trọng của “Đồng hành”. Do đó họ thiếu ý thức, thiếu nỗ lực xây dựng bản thân để đồng hành với mọi người. Đối với các thành viên cá biệt như thế, người thiệt thòi đầu tiên là chính họ. Một cảm giác xa lạ, lạc lõng với bản thân, lỏng lẻo, bơ vơ giữa cộng đoàn. Chính những cảm giác này gây nên một áp lực khiến họ ngán ngẩm, mất hết hứng thú, lý tưởng sống trở nên nhạt nhẽo, buồn phiền và chán nản, muốn buông xuôi tất cả. Từ thái độ sống bâng quơ, thờ ơ với đồng loại, lơ là trong các mối tương giao, như một bằng chứng nói lên tâm hồn họ thật non nớt và đơn độc, trơ trọi và chai cứng, đánh mất cơ hội ngàn vàng cho phép họ nhận được tình yêu thương và sự quan tâm nâng đỡ của người xung quanh. Bởi họ đã không gieo vãi điều chi thì cũng chẳng gặt hái điều gì, càng ngày họ càng trở nên khô khan cằn cỗi, chai lỳ, mất cảm giác yêu và được yêu.
Vẫn biết:
-                      Đời sống bản thân chỉ dồi dào, phong phú,  sinh động khi mối tương giao mỗi ngày được thiết lập sâu rộng hơn giữa mọi người.
-                      Phải thật sự quan tâm thiết tha tới đời sống người khác thì mới có thể làm tươi đẹp và triển nở cuộc sống mình.
-                      Giá trị cuộc sống mình hoàn toàn tùy thuộc vào mức độ những gì mình cho đi, những gì mình đã tận tình sống cho người khác.
Đức Kitô đã sống và “đồng hành” với con người trên khắp nẻo đường đời.
-                      Trong vườn, Ngài xuất hiện và đồng hành như một người làm vườn.
-                      Bên dân chài lưới, Ngài xuất hiện và đồng hành như một tay lưới chuyên nghiệp, rành rẽ đường đi nước bước của đàn cá.
-                      Trên đường Emmau, Ngài xuất hiện như khách bộ hành. Ngài xuất hiện để khích lệ các môn đệ đang lo buồn sợ hãi.
-                      Ngài xuất hiện để chiếu soi niềm nghi ngờ tăm tối nơi tâm tư mỗi người.
Đồng hành” mời gọi sự trợ giúp thiết thực cho nhau trong đời sống hằng ngày, nó phải được xây dựng trên nền tảng sự hiệp nhất trong Chúa.
-                      Sự hiệp nhất không đánh mất bản thân mình, nhưng vẫn phát triển trong những dị biệt chính đáng.
-                      Sự hiệp nhất luôn gắn kết mọi người với nhau, nhưng không làm cản trở tính khách quan và chân thật của đời sống.
-                      Sự hiệp nhất trong đa dạng, tạo nên sự phong phú cho mỗi người. Nhờ vậy, con người biểu hiện một nội tâm sâu xa và một nhân cách cao quí trong tinh thần yêu thương chân thật.
Cần nắm vững nguyên tắc này của Thánh Augustino: “Hiệp nhất trong những gì chính yếu, tự do trong những gì tùy phụ, và bác ái trong hết mọi sự”.
Ra khơi với Đức Kytô, “Đồng hành” với Đức Kytô. Mỗi người cần phải sống và diễn tả nghĩa cử “Đồng hành” ấy với mọi người qua thái độ trợ giúp chính yếu và thiết thực:
1. Trợ giúp đạo đức
·        Cầu nguyện cho nhau
Như Đức Giêsu đã tha thiết cầu nguyện cho môn đệ Ngài thế nào (Ga 17, 1-24), chúng ta cũng hãy thiết tha cầu nguyện cho nhau như vậy. Một lời cầu giữa sa mạc cuộc đời còn nhiều bóng tối : bóng tối của ích kỷ và phẫn nộ; bóng tối của cạnh tranh và so sánh; bóng tối của tuổi già và bệnh tật; bóng tối của sa sút tinh thần và nới lỏng bám víu vào Trời cao; bóng tối của sự thiếu trưởng thành và thi thố quyền hành, địa vị; bóng tối của say mê hưởng thụ và chạy theo tham vọng; bóng tối của sự tục hóa và duy vật, của tình yêu đam mê và vị kỷ... Xin cho nhau một đức tin vững mạnh, một lòng mến sắt son; Xin cho nhau khỏi mọi sự dữ và tai ác; Xin Chúa thánh hóa và gìn giữ mọi người trong chân lý để họ mãi thuộc về Chúa. Trên hết mọi sự, xin cho tất cả nhận ra sự hiện diện sống động của Đức Kitô Phục Sinh nơi chính mình và trong mọi ngõ nghách của cuộc đời.
Ai trong chúng ta cũng có những sự thật đau lòng và riêng tư; những khó khăn nặng trĩu hằng ngày do bổn phận và trách nhiệm. Vì thế, thật khó có thể tường tận từng vấn nạn, để cảm thông mọi thống khổ trong từng hoàn cảnh, từng biến cố, từng giai đoạn đời người, nhất là những thánh giá vô hình. Do đó phải luôn cầu nguyện cho nhau. Cầu nguyện cho người khác cũng là cầu nguyện cho chính mình.
·        Những gương sáng đạo đức
“Lời nói bay nhanh, gương lành lôi cuốn”. Những gương sáng đạo đức của người rất dễ đánh động tâm hồn ta. Nếu được đính kèm với một cách sống tế nhị, vị tha, phát xuất từ đời sống kỷ luật và hy sinh âm thầm, thì quả thật cao đẹp biết bao. Nó trở thành sự nhắc nhở hữu hiệu nhất, một tác động mãnh liệt nhất. Biết bao người đã thay đổi lối sống khô khan, tệ bạc nhờ những gương sáng như thế. Việc lành của người này làm sáng lên nhân đức của người kia; hy sinh của người này đem lại bình an cho người khác. Cách trợ giúp đạo đức đáng mong ước nhất chính là sự sẻ chia chân thành những lo âu, vất vả, và kề vai đỡ gánh trách nhiệm với người khác. 
2. Trợ giúp hiểu biết
Có những hiểu biết qua học hành, sách vở, báo chí và dư luận. Có những hiểu biết qua trải nghiệm thăng trầm của đời thường. Có những hiểu biết qua kinh nghiệm sống đức tin. Dưới nhãn quan đức tin, mọi sự hiểu biết đều trở nên thâm thúy và phong phú cho đời sống tinh thần.
Hiểu biết vốn là một hệ thống phán đoán. Khi biết không tường tận, hiểu chưa sát ngọn nguồn, mà lại gấp rút đưa ra một phán đoán, thì không thể tránh khỏi những lệch lạc và thiếu sót. Đó là chưa kể đến những phán đoán ấu trĩ, phán đoán theo suy diễn chủ quan, tự mãn và thành kiến; theo tiền đề và kết luận có sẵn; theo những phạm trù cũ kỹ; theo cảm tính và dư luận kích động bên ngoài, theo áp lực của quyền lợi cá nhân và phe nhóm...
Để đạt được khả năng phán đoán chính xác và trung thực quả thật rất khó, nhiều khi là cả một hành trình cam go của lý trí, của suy tư dài lâu, của thời gian thinh lặng trong tâm hồn. Chỉ trong sự hiểu biết nghiêm túc và khách quan, trong sự bình tâm đã được gột rửa khỏi lòng tham, sân, si, đồng thời đặt mình vào tâm tình của Đức Giêsu, thì mọi phán đoán mới có cơ may bảo đảm được giá trị chân chính của nó. Do đó cần hết sức thận trọng, dè dặt khi đưa ra phán đoán.
Để trợ giúp hiểu biết cho nhau, mỗi người cần nỗ lực đào sâu những kiến thức  về Thiên Chúa, về con người, về Giáo hội và xã hội. Đào sâu những hiểu biết đó theo nhãn quan khoa học, bên cạnh nhãn quan đức tin, theo tài liệu sách vở, bên cạnh những kinh nghiệm nội tâm. Sự hiểu biết nào cũng đòi hỏi một sự tra cứu, suy tư dài lâu, tập trung tinh thần, kiên trì vận dụng khả năng trí tuệ để đạt được cái nhìn thấu đáo. Khi mỗi người đã tích lũy cho mình một số kiến thức, hiểu biết thêm về thế giới xung quanh, thì sự trao đổi với người khác sẽ thực sự lợi ích và vô cùng lý thú.
-                      Mỗi khi chia sẻ là tôi dâng tặng cho người khác một cái gì thuộc cá nhân tôi.
-                      Mỗi khi chia sẻ là tôi đang trân trọng đón nhận món quà người khác dâng tặng tôi,  món quà  thuộc cá nhân họ.
-                      Trong bầu khí chia sẻ, Thánh Thần sẽ là Đấng ban ơn hiểu biết sau cùng cho mỗi người từ sự góp phần của mình.
Tuy nhiên, mức độ nào đó theo sự khôn ngoan nên có những hành vi sẻ chia thích hợp: Có những hiểu biết cần được phổ biến và trao đổi rộng rãi, nhưng cũng có những điều chỉ nên trao đổi với một vài người đáng tín nhiệm về thiện chí và khả năng.
3. Trợ giúp tâm lý
         Nhà văn Cadweil có ra cuốn sách tựa đề là “Tên trộm trong đêm”, viết theo điều tra hình sự về cái chết đột ngột của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô I đêm ngày 19-8-1978. Theo tác giả thì Ngài đã chết vì thiếu sự thông cảm, thiếu sự chăm sóc và ưu ái. Trước khi đắc cử Giáo Hoàng, Ngài vốn ở trong tình trạng sức khỏe yếu kém, một sự kiện đã không được các Đấng quan tâm. Khi nhậm chức, Ngài càng đau yếu thêm do bầu khí quá căng thẳng và cô đơn. Tác giả đã kết luận : Đức Gioan Phaolô I đã chết vì không chịu nổi cơ chế quan liêu nặng nề quá mức. Ngài đã chết vì bị miệt thị, bị bỏ rơi do chính những người đáng lẽ phải nâng đỡ Ngài.
         Chúng ta có thể cho rằng bài viết và kết luận đó là quá đáng, nhưng đừng quên câu chuyện Đức Giêsu là có thật : Ngài bị giết do âm mưu ác độc của các thượng tế, những nhà lãnh đạo tôn giáo được tiếng là đạo đức thời đó.
         Câu chuyện về cái chết của Đức Giêsu và dư luận về cái chết của Đức Gioan Phaolô I như một tiếng chuông cảnh tỉnh, buộc mỗi người phải ý thức rằng: Chính tôi có thể gây thương tổn và làm chết ngạt đời sống tinh thần của anh chị em tôi, bằng lối sống thờ ơ, lãnh đạm, thiếu sự nâng đỡ tinh thần và trợ giúp tâm lý. Những tình trạng thương tâm như thế không phải là hiếm hoi trong đời sống Giáo hội, cách riêng trong các cộng đoàn tu sĩ, linh mục.
         Có những trường hợp bị xuống tinh thần do sức khỏe, do khó khăn và thất bại trong công việc, hoặc do những vấp váp của bản thân, nhưng đã sớm lấy lại được quân bình nội tâm nhờ sự nâng đỡ tích cực và tế nhị của người thân và bạn bè. Có những người phải nặng nề vác thánh giá do hoàn cảnh ngang trái gây ra, nhưng may mắn có những Simon sẵn lòng chia sẻ gánh nặng, nên họ đã kiên trì trong ơn gọi của mình. Chính nhờ những tấm lòng quả cảm, những khích lệ chân thành mà nhiều người đã có những đóng góp lớn lao cho Giáo hội. 
         Để Trợ giúp tâm lý quả thật rất khó, bản tính tự nhiên ai cũng muốn trổi vượt hơn người. Coi cái Tôi là trên hết và tìm đủ cách để tôn vinh cái Tôi ấy. Thực ra,  ta chỉ thực sự trổi vượt hơn người khi dám để cho người trổi vượt hơn mình.  
Thực tế có những người đã không có được cái nhìn tinh thông như thế, nên khi thấy người khác khá hơn mình, có uy tín hơn mình, làm nên những công việc lớn lao hơn mình, thì buồn bực, ganh ghét, dèm pha, hoặc tỏ vẻ dửng dưng, đánh giá thấp, giải thích lệch lạc. Chính tính tự ái, hẹp hòi, ích kỷ và kiêu căng trở thành bức tường che chắn, khỏa lấp tiếng mời gọi đồng hành, nâng đỡ, trợ giúp lẫn nhau (Dt 13, 16). Trong đời sống hiến dâng cũng thế, chính tâm lý coi mình hơn người, đã từng bước đẩy mình lún sâu trong hư danh, phù du ngắn ngủi, choáng ngợp trong vinh quang giả tạo, coi thường mọi giá trị đạo đức, và mất hẳn khả năng nhận biết tiếng gọi từ trời cao, mà chỉ còn nghe tiếng nói của bản thân mình.
         Cần ý thức rằng dù ở hoàn cảnh hay địa vị nào ta cũng cần đến sự trợ giúp đồng hành của anh chị em, và dù ở vị trí nào ta cũng luôn có khả năng trợ giúp và đồng hành với anh chị em mình, trong mọi hoàn cảnh và địa vị vủa họ.

            Lạy Chúa, nhiều khi con chỉ lo sống cho công việc, chỉ nghĩ tới những chương trình và dự định phải thực hiện, chỉ tìm mọi cách để thăng tiến bản thân, mà quên đi những con người Chúa đặt bên cạnh con hằng ngày để mời gọi con biết sống cho họ, biết hỗ trợ chương trình và dự định của họ, biết giúp họ vươn lên trong nỗ lực thăng tiến bản thân, biết khuyến khích họ trong mọi sáng kiến để mưu cầu lợi ích chung, đặc biệt là khi họ gặp những khó khăn và trắc trở  trong cuộc sống. Bởi khi con không biết sống cho họ thì con cũng không hề biết sống cho Chúa.
         Xin cho con ý thức rằng Tình Yêu là điều duy nhất mà con phải sống cho người khác, những điều còn lại trong cuộc đời chỉ là phụ thuộc. Trước tiên, nếu con không sống tình tương thân tương ái với những người bên cạnh, thì dù con có làm nên bao điều lớn lao cao trọng cũng chỉ là lo thỏa mãn tham vọng của mình thôi, chẳng có nghĩa lý gì, mà lại còn tạo thêm sự cách biệt và trống rỗng cho cuộc sống làm người. Chúa đã sống trọn tình cho con, thì xin giúp con cũng sống hết tình cho anh chị em mình. Amen.
                                                                                       (Lm. Thái Nguyên)


 
Của Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn

Chúa đồng hành

Thứ Tư tuần Bát nhật Phục sinh
Lời Chúa: 
Lc 24,13-35
Cùng ngày thứ nhất trong tuần, có hai môn đệ đi đến một làng tên là Emmaus, cách Giêrusalem độ sáu mươi dặm. Dọc đường, các ông nói với nhau về những việc vừa xảy ra. Ðang khi họ nói truyện và trao đổi ý kiến với nhau, thì chính Chúa Giêsu tiến lại cùng đi với họ, nhưng mắt họ bị che phủ nên không nhận ra Người. Người hỏi: "Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?" Một người tên là Clêophas trả lời: "Có lẽ ông là khách hành hương duy nhất ở Giêrusalem mà không hay biết những sự việc vừa xảy ra trong thành mấy ngày nay". Chúa hỏi: "Việc gì thế?" Các ông thưa: "Sự việc liên can đến ông Giêsu quê thành Nadarét. Người là một vị tiên tri có quyền lực trong hành động và ngôn ngữ, trước mặt Thiên Chúa và toàn thể dân chúng. Thế mà các trưởng tế và thủ lãnh của chúng ta đã bắt nộp Người để xử tử và đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel. Các việc ấy đã xảy ra nay đã đến ngày thứ ba rồi. Nhưng mấy phụ nữ trong nhóm chúng tôi, quả thật đã làm chúng tôi lo sợ. Họ đến mồ từ tảng sáng. Và không thấy xác Người, họ trở về nói đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng: Người đang sống. Vài người trong chúng tôi cũng ra thăm mồ và thấy mọi sự đều đúng như lời các phụ nữ đã nói; còn Người thì họ không gặp".
Bấy giờ Người bảo họ: "Ôi kẻ khờ dại, chậm tin các điều tiên tri đã nói! Chớ thì Ðấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?" Ðoạn Người bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người. Khi gần đến làng hai ông định tới, Người giả vờ muốn đi xa hơn nữa. Nhưng hai môn đệ nài ép Người rằng: "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều, và ngày sắp tàn". Người liền vào với các ông.
Ðang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người. Ðoạn Người biến mất. Họ bảo nhau: "Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong ta khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?" Ngay lúc ấy họ chỗi dậy trở về Giêrusalem, và gặp mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp. Các vị đó bảo hai ông: "Thật Chúa đã sống lại, và đã hiện ra với Simon". Hai ông cũng thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.
   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét