Thứ Hai, 23 tháng 5, 2016

CHỨNG NHÂN


         "Các con là nhân chứng những sự việc ấy." (Lc 24,48)


ĐẠI LỄ CHÚA GIÊSU LÊN TRỜI


Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Như đã ghi chép là Ðức Kitô phải chịu khổ hình và ngày thứ ba từ cõi chết sống lại; và nhân danh Người mà rao giảng việc sám hối và ơn tha tội trong mọi dân, bắt đầu từ Giêrusalem. Các con là nhân chứng những sự việc ấy. Thầy sẽ sai đến với các con Ðấng Cha Thầy đã hứa; vậy các con hãy ở lại trong thành cho đến khi mặc lấy quyền lực từ trên cao ban xuống". Rồi Người dẫn các ông ra ngoài, đến làng Bêtania, và giơ tay chúc phúc cho các ông. Sự việc xảy ra là đang khi Người chúc phúc cho các ông, Người rời khỏi các ông mà lên trời. Các ông thờ lạy Người, và trở về Giêrusalem lòng đầy vui mừng. Các ông luôn luôn ở trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa. Amen.
Suy niệm
Cô bé Marian West lên bốn tuổi thì bà mẹ gởi vào một nhà trẻ cạnh nhà để bà đi làm việc. Trưa nào bà cũng về, Marian rất sung sướng gặp lại mẹ, hai mẹ con ở với nhau khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ, rồi mẹ lại trao Marian cho cô giữ trẻ để đi làm việc.
Rồi một ngày, ban trưa mẹ của Marian không đến nhà trẻ cô buồn lắm vì phải chờ mãi đến tối mới gặp được mẹ. Cô bé không hiểu tại sao ? Cô tự nhủ có lẽ mẹ không thương mình nữa.
Nhiều năm sau, cô bé mới biết trưa nào mẹ cũng về nhưng chỉ ngồi ở cửa sổ để nhìn Marian chơi mà thôi. Bà mẹ cố lánh mặt để Marian được trưởng thành, cùng bạn bè học hành tốt hơn.
Câu chuyện giúp ta hiểu phần nào về ý nghĩa sâu xa của việc Chúa về trời.
*
Đoạn trích trình thuật cho chúng ta lần hiện ra cuối cùng của Chúa Giêsu với các Tông đồ và cũng là kết thúc của Phúc âm theo Thánh Luca cho ta thấy những lời nói và cử chỉ cuối cùng của Chúa Giêsu khi Người hiện diện hữu hình trên trần gian này. Đồng thời cũng bộc lộ tâm tình, niềm vui của các tông đồ khi Chúa về trời.
Tin Mừng Luca kết thúc với biến cố Thăng Thiên, chấm dứt giai đoạn sứ vụ của Chúa Giêsu. Giai đoạn tiếp theo là Hội Thánh tiếp nối sứ vụ của Chúa Giêsu trong quyền năng của Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với các Tông đồ. Ngài ban bình an, củng cố đức tin của các Tông đồ bằng cách tỏ bày cho biết Ngài chính là Thầy của các ông, đã chết nhưng đã sống lại và bây giờ đang hiện diện thật sự trước mặt các ông. Ngài giúp các ông hiểu những lời Kinh Thánh tiên báo về cuộc khổ nạn và sự phục sinh của Đức Kitô được ứng nghiệm nơi Ngài. Cuối cùng Ngài trao cho các ông sứ mạng đi rao giảng và làm chứng về Ngài.
Bài Tin Mừng của ngày đại lễ hôm nay trình bày tất cả các chủ đề đã được các tông đồ rao giảng, đó là việc trưng dẫn Kinh Thánh, rao giảng sự sám hối và tha tội, vai trò chứng nhân Chúa Kitô phục sinh.
Trong những lời nhắn nhủ cuối cùng trước khi lên trời, Chúa Giêsu nhắc lại lời Kinh Thánh đa ứng nghiệm nơi Người, cũng là để các tông đồ tin, suy niệm lời Kinh Thánh.
Đối với các Tông đồ, sau khi đã chứng kiến các sự việc về Chúa Giêsu và được mở trí, các ông hiểu thấy đáo hơn về các sự việc ấy. Chúa đã trao nhiệm vụ làm chứng về Chúa cho các ông trước mặt muôn dân. Sau khi Chúa Giêsu về trời thì Chúa Thánh Thần sẽ đến với các tông đồ để thánh hóa và nâng đỡ các ông trên mọi nẻo đường của sứ vụ vừa được trao phó.
Đức Giêsu đã giải thích cho các Tông đồ hiểu ý nghĩa của biến cố nhờ vào Kinh Thánh. Đức Giêsu phải chết… đó là chương trình cứu độ nhân loại trong thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa. Ngài sống lại để hoàn tất những điều Kinh Thánh đã báo trước. Sau đó, họ lãnh nhận sức mạnh là phải đi làm chứng, rao giảng sám hối để được tha tội, bắt đầu từ Giêrusalem. Được trao nhiệm vụ làm chứng nhưng chưa thể ra đi, các tông đồ còn phải ở lại trong thành để chờ đợi ơn Chúa Thánh Thần. Để có thể thực thi sứ mệnh, cần phải nhận Thánh Thần từ Ngài gởi đến.Vì chỉ với ơn Chúa Thánh Thần việc rao giảng, làm chứng mới mang lại hiệu quả.
Biến cố “lên trời” là kết thúc cách thể hiện của Chúa Giêsu trong mầu nhiệm nhập thể, tức là theo nhân tính của Người để hiện diện theo tư cách thiên tính. “Lên trời” ở đây phải được hiểu theo nghĩa thiêng liêng là bước vào cõi vinh quang của Thiên Chúa.
“Lên trời” biểu lộ vinh quang của Đấng phục sinh, hoàn tất lời tấn phong thiên sai từ khi chịu Phép Rửa, và bây giờ được đăng quang bên hữu Thiên Chúa (x.Tv 110, 1). Theo sách Công vụ Tông đồ, 40 ngày sau phục sinh, Đức Giêsu mới thăng thiên vào ngày phục sinh. Con số 40 có nghĩa biểu tượng. Chủ ý của Luca là các Tông đồ cần có thời gian để vững tin vào Đức Giêsu phục sinh nhờ vào những lần hiện ra. Sau cùng, Đức Giêsu thăng thiên có nghĩa là chấm dứt các lần hiện ra, và từ đây dưới tác động và sức mạnh của Thánh Thần, các Tông đồ đảm nhiệm lấy sứ mạng mà Đức Giêsu đã trao phó. Vì vậy, biến cố thăng thiêng nói lên vinh quang và uy quyền của Đấng phục sinh.
Sau khi chứng kiến Chúa Giêsu được rước lên trời, các môn đệ “thờ lạy Người, và trở về Giêrusalem lòng đầy vui mừng. Các ông luôn luôn ở trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa”. Tại sao Chúa về trời mà các Tông đồ và môn đệ lại vui mừng ? Thưa, vui mừng vì nhận ra Thầy của họ là Đấng Phục sinh thực sự chiến thắng tội lỗi và sự chết; Vui mừng vì nhận ra một tương lai là sẽ được ở bên Chúa; Vui mừng vì Thánh Thần sẽ đến với họ.
Để có được niềm vui tràn ngập khi Chúa về trời các Tông đồ cũng đã phải gẫm suy Lời Chúa để rồi với ơn Chúa soi sáng, các ngài nhận ra ý nghĩa thật của những gì đã xảy ra, nên các ngài đã hưởng niềm vui trọn vẹn.
Điều này nhắc chúng ta nhìn lại việc gẫm suy Lời Chúa của mình đã thực hiện như thế nào ? Cảm thấy vui hay chỉ là bổn phận ?
Chúa Giêsu truyền cho các Tông đồ đi rao giảng về sự thống hối để được tha tội, bắt đầu từ Giêrusalem với dân Do thái và sau đó với mọi dân. Ơn cứu độ của Chúa được ban cho mọi dân tộc. Sự thống hối là một hoán cải từ trong não trạng, tâm hồn đưa đến một thay đổi toàn diện cuộc sống. Đó là điều kiện để được tha thứ và lãnh nhận ơn cứu độ. Các Tông đồ phải là nhân chứng cho Chúa Giêsu từ khi Ngài chịu Phép Rửa cho đến khi chịu chết, nhất là sự sống lại của Ngài.
Đây là sứ mạng của toàn thể dân Chúa. Thánh Phaolô đã thốt lên: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”. Qua các tông đồ, Chúa cũng trao cho mỗi Kitô hữu chúng ta sứ vụ làm chứng cho Chúa, làm chứng cho niềm tin mà chúng ta đang mang trong mình. Để thực thi sứ mạng ấy, mỗi Kitô hữu trước hết phải hoán cải nơi chính bản thân để có thể công bố lòng thương xót và ơn tha thứ của Chúa cho mọi người.Cuộc sống của chúng ta đã thực sự trở thành lời chứng cho sự phục sinh, sự hiện diện của Chúa giữa môi trường mà mình đang sống chưa ? Khi thành công việc vì, chúng ta thường nghĩ là do khả năng của chính mình hay do ơn Chúa Thánh Thần ?
Bài học áp dụng
Trước khi Ðức Giêsu Thăng Thiên, Ngài đã trao cho các môn đệ và mỗi người Kitô hữu chúng ta sứ mệnh truyền giáo. Ngài hứa sẽ luôn ở với chúng ta mãi mãi. Lời hứa của Chúa được thực hiện qua bí tích Thánh Thể, qua Lời Chúa và Thánh Thần của Ngài. Ðó là nguồn sức mạnh nuôi dưỡng đời sống đức tin và sứ vụ của chúng ta. Sống kết hợp với Ðức Giêsu và thực thi lời Ngài, là chúng ta đang rao giảng Ngài cho anh em.
Chúng ta hãy tin tưởng và phó thác cho Chúa mọi việc trong cuộc sống.
*
Lạy Chúa Giêsu, khi về trời, Chúa đã không có bỏ chúng con, nhưng Chúa hằng yêu thương nuôi dưỡng và ở lại với chúng con qua bí tích Thánh Thể. Chúa cũng luôn hướng dẫn dìu dắt chúng con qua Lời Chúa. Xin cho chúng con biết siêng năng đón nhận Lời Chúa và Thánh Thể để nhờ đó, cuộc sống của chúng con luôn có Chúa đồng hành. Ðể cùng với Chúa, chúng con ra đi với anh em chúng con. Amen.
                                                                               (Thiên Ân - UBĐK Công Giáo Việt Nam)

Sinh hoạt ngoài trời - Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 50 tại Saigon



Trong Hội trường


Cha Trưởng Ban Truyền Thông Saigon nói lời tri ân






Chúa Nhật VII Phục Sinh: Lễ Chúa Thăng Thiên (Năm C) - Ngày Thế giới Truyền thông xã hội

Lời Chúa: 
Lc 24,46-53



46 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Như đã ghi chép là Đức Kitô phải chịu khổ hình và ngày thứ ba từ cõi chết sống lại; 47 và nhân danh Người mà rao giảng việc sám hối và ơn tha tội trong mọi dân, bắt đầu từ Giêrusalem. 48 Các con là nhân chứng những sự việc ấy. 49 Thầy sẽ sai đến với các con Đấng Cha Thầy đã hứa; vậy các con hãy ở lại trong thành cho đến khi mặc lấy quyền lực từ trên cao ban xuống".
50 Rồi Người dẫn các ông ra ngoài, đến làng Bêtania, và giơ tay chúc phúc cho các ông. 51 Sự việc xảy ra là đang khi Người chúc phúc cho các ông, Người rời khỏi các ông mà lên trời. 52 Các ông thờ lạy Người, và trở về Giêrusalem lòng đầy vui mừng. 53 Các ông luôn luôn ở trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa. Amen.

Hãy đi rao giảng Tin Mừng

          

"Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin mừng cho mọi thụ tạo." (Mc 16,15)

 Lạy Chúa Giêsu, Chúa trao cho các Tông đồ, và cho cả chúng con, sứ mạng loan báo Tin Mừng cho muôn dân. Xin cho mỗi người chúng con thêm ý thức về trách nhiệm cao cả này, biết góp phần cộng tác vào sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội, bằng cách tận dụng những khả năng Chúa ban để làm cho mọi người nhận biết và yêu mến Chúa.

Lạy Chúa, rao truyền Tin Mừng không chỉ là truyền giáo cho những người chưa biết Chúa, nhưng còn là Phúc-Âm-hoá đời sống của chính chúng con. Đã biết Tin Mừng, nhưng chúng con chưa thể hiện trọn vẹn nếp sống Kitô hữu, xin cho mỗi người chúng con biết nỗ lực sống theo tinh thần Phúc Âm, để trở thành ánh sáng, nên như muối men, làm thăng tiến và thánh hoá các cộng đoàn và cả giáo xứ chúng con.


 Lạy Chúa Giêsu, cánh đồng truyền giáo quá mênh mông, công cuộc Phúc-Âm-hoá đòi hỏi những nỗ lực trường kỳ, Chúa biết khả năng giới hạn của con người, nên Chúa cùng hoạt động với Giáo Hội, giúp các tín hữu thực thi sứ mạng cao cả nhưng đầy khó khăn này.

Chúa muốn mọi người được cứu độ, và Chúa cần chúng con cộng tác, để nói về Chúa, để loan báo tin vui cứu độ, để đưa nhiều người đến với Chúa, gia nhập vào Hội Thánh Chúa. Xin cho chúng con cảm nhận được niềm vui khi được giúp Chúa qua các công tác tông đồ.

Chúa sai chúng con rao giảng Tin Mừng, nhưng thật ra chúng con chỉ là những người gieo người tưới, chính Chúa mới làm cho mọc lên, xin cho chúng con biết luôn cầu nguyện cho việc truyền giáo, đồng thời biết tích cực tham gia việc tông đồ, cộng tác với ơn Chúa và hăng say xây dựng, mở mang Nước Trời.

Xin Chúa cho chúng con luôn biết nhận ra sứ mạng cao cả mà Chúa ban cho là rao giảng Lời Chúa. Xin cho chúng con luôn biết ý thức, biết phấn đấu, biết hy sinh, biết làm tất cả mọi việc để Lời Chúa được rao giảng, và cũng xin cho chúng con biết trở nên bé nhỏ để làm vinh danh Chúa hơn nơi anh chị em.

                                                                                    ( Nguồn: Gp Bà Rịa, Vĩnh Long)  

 

Giáo xứ Đồng Tiến - Q 10


Thứ Hai tuần V mùa Phục sinh - 25/04: Thánh Máccô, tác giả sách Phúc Âm
Lời Chúa: 
Mc 16,15-20
15 Khi ấy, Chúa Giêsu hiện ra với mười một môn đệ và phán: "Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin mừng cho mọi thụ tạo. 16 Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. 17 Và đây là những phép lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng mới lạ, 18 cầm rắn trong tay, và nếu uống phải chất độc, thì cũng không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân sẽ được lành mạnh".
19 Vậy sau khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa. 20 Phần các ông, các ông đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố lời giảng dạy bằng những phép lạ kèm theo.

Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2016

Như Thầy yêu thương




Điều răn "mới", tại sao?

Diễn từ của Chúa Giêsu tại Bữa ăn tối cuối cùng trong Tin Mừng Thánh Gioan đã làm các độc giả say mê song cũng khiến họ bối rối. Giống như những diễn từ khác trong Tin Mừng thứ tư, bản văn chứa đầy những ngắt đoạn khó hiểu, những câu chưa hết ý và những đoạn lặp lại. Trong số những giải thích về cấu trúc kỳ lạ này, Raymond Brown chấp nhận cách giải thích tương đối đơn giản là tác giả Tin Mừng đã biên tập đến 2 lần và rồi một ai đó trong cộng đoàn của Thánh Gioan đã sắp xếp lại1. Kết quả là hai dị bản được đặt cạnh nhau, khác nhau tí chút nhằm thích ứng với những tình huống khác nhau, cách sử dụng những đoạn văn kép này rất phổ biến trong Ngũ Kinh. Brown lưu ý rằng “những gì được nói trong Diễn từ cuối cùng ở chương 15,1-31 cũng được nói lại trong chương 16,4-33”2. Và Perkins thì cho rằng nội dung của bài diễn từ “dường như đã được phổ biến trong thời gian biên tập cuốn Tin Mừng (Gioan), và có lẽ trình bày những hoàn cảnh khác nhau trong lịch sử sau này của cộng đoàn Thánh Gioan”3.
Cụ thể, thật thú vị khi nhận ra trong bài diễn từ vào Bữa ăn tối cuối cùng, Chúa Giêsu huấn dụ các Tông đồ tại hai nơi chốn khác nhau rằng phải yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương họ, và như vậy ngữ cảnh cũng khác nhau. Đoạn đầu tiên được tìm thấy trong Ga 13,33-36:
Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy; nhưng như Thầy đã nói với người Do Thái: “Nơi tôi đi, các người không thể đến được”, bây giờ, Thầy cũng nói với anh em như vậy. Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.
Perkins nhận xét rằng “giới răn nằm lạc lõng ở vị trí này bởi vì tiếp theo đó là chủ đề cuộc ra đi của Chúa Giêsu4. Thế nhưng vị trí này được cố ý lựa chọn. Bối cảnh cuộc ra đi sắp đến của Chúa Giêsu dường như là lý do khiến Ngài ban giới răn này cho các Tông đồ. Hàm ý của giới răn không phải là tình yêu của họ dành cho nhau phải lớn lao bằng tình yêu của Chúa Giêsu dành cho họ, nhưng vì Chúa sẽ phải rời bỏ họ và tình cảnh mới này rất thích hợp để ban cho họ một điều răn mới là: như Ngài đã yêu thương họ khi còn ở với họ, nên từ nay họ phải thay thế Chúa Giêsu để yêu thương và chăm sóc lẫn nhau. Một trong những mục đích khi viết Tin Mừng Thánh Gioan dường như là nhằm giải quyết sự chia rẽ trầm trọng trong cộng đoàn Thánh Gioan (như ta thấy trong Thư thứ nhất của Thánh Gioan). Vì thế, tác giả Tin Mừng có lẽ đã đặt Chúa Giêsu ở đây để khuyên nhủ mọi môn đệ tương lai của Ngài phải làm trung gian cho tình yêu nối dài của Ngài với tha nhân sau khi Ngài đã ra đi, và như vậy gìn giữ được sự thống nhất mà Ngài hằng thiết tha cầu nguyện.
Đây là đoạn duy nhất trong Tin Mừng Thánh Gioan (Ga 13,33-36) mà trong đó Chúa Giêsu gọi điều Ngài ban cho các tông đồ là điều răn “mới”. Trong đoạn thứ hai, Chúa Giêsu truyền cho các tông đồ yêu thương nhau “như Thầy đã yêu các con” (Ga 15,12-17), nhưng không nói đây là điều răn “mới”. Ngữ cảnh của đoạn văn thứ hai không phải là cuộc ra đi sắp đến của Chúa Giêsu, nhưng là sự sống của Ngài được trao ban cho các môn đệ, và điều đó như một mẫu gương cho họ để hiến chính thân mình cho tha nhân trong tương lai (Ga 15,12-17): “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết. Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau”.
Tại sao gọi là điều răn “mới”?
Có nhiều lý do được đưa ra để giải thích tại sao Chúa Giêsu ban điều răn “mới” cho các môn đệ. Cách giải thích đơn giản nhưng kém thuyết phục là Ngài chỉ thêm số mới vào Mười Điều Răn mà Thiên Chúa đã ban cho dân Israel qua ông Môisen. Một lý do khác hấp dẫn hơn nhưng cũng vẫn khó chấp nhận là khi khuyên nhủ các môn đệ phải yêu thương nhau, Ngài không làm gì khác hơn là lập lại “Đại Giới Răn” rằng họ phải yêu thương nhau như chính mình, điều mà Ngài đã trả lời cho câu hỏi về sự ưu tiên nào trong Mười Điều Răn. Tuy nhiên, điều răn mới không chỉ nói rằng các môn đệ của Chúa Giêsu phải yêu thương nhau nhưng họ phải yêu thương nhau “như Thầy yêu thương các con”. Đây là tính chất mới quan trọng cho huấn dụ luân lý của Chúa Giêsu. Dường như tiêu chuẩn và mẫu gương tối thượng của tình yêu thương Kitô giáo là tình yêu mà chính Chúa Giêsu bày tỏ và dành cho các môn đệ; và theo dòng lịch sử, điều này sẽ được khai triển thành những nền linh đạo lớn trong việc bắt chước và theo Đức Kitô. Vì thế, Perkins giải thích rằng “Điều răn này ‘mới’ ở chỗ nó không dựa trên luật điều yêu thương trong truyền thống Do Thái (vd. Lv 19,18; 1QS 1:9-115) nhưng là sự tự hiến mình của Đức Giêsu”6.
Tuy nhiên, Điều răn “mới” này đôi khi bị xem như quá hạn chế vì dường như chỉ khuyên các môn đệ yêu thương nhau chứ không yêu hết thảy mọi người lân cận, khác với Đại Giới Răn. Thế nhưng cần phải lưu ý rằng diễn từ Bữa ăn tối cuối cùng của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Thánh Gioan đôi lúc hướng nhìn về cuộc khổ nạn và cái chết sắp đến của Chúa Giêsu, và thỉnh thoảng cũng là hướng nhìn lại từ sau cuộc Phục Sinh cho đến khi Ngài hoàn tất sứ mạng, vì thế, như C.H. Dodd đã giải thích: “Đúng ra, người nói chính là Đức Kitô đã phục sinh và vinh hiển7. Nhờ vậy, chúng ta có thể hiểu được tại sao điều răn “yêu thương nhau” có tính hạn chế, như đã được nói ở trên là chỉ trong vòng các môn đệ với nhau, một điều rất tương phản với Đại Giới Răn khuyên phải yêu thương hết mọi người lân cận không loại trừ ai. Trong diễn từ này, dường như chính Đức Kitô Phục Sinh đang nói với cộng đoàn mà Thánh Gioan viết Tin Mừng cho họ, Ngài đang hướng dẫn họ phải giải quyết những vấn đề và hệ quả trong cộng đoàn mình như thế nào. Cũng như trong bất kỳ xã hội nào, luật lệ mà cứ lặp đi lặp lại để cấm một hành vi đặc biệt nào đó thì điều ấy cho thấy rằng hành vi đó phổ biến trong xã hội đó. Trong Tin Mừng và các thư của mình, Thánh Gioan (là tác giả hoặc là nguồn gốc) thường viết lặp lại nhu cầu phải yêu thương nhau và sự đoàn kết giữa các môn đệ của Chúa Giêsu, thì điều đó cho thấy rằng những nhân đức này thiếu sót trầm trọng trong Giáo Hội của Thánh Gioan, và diễn từ Bữa ăn tối cuối cùng chỉ là cái cớ để Chúa Phục Sinh sửa chữa tình trạng đáng buồn này.
Luật của Giao Ước mới
Cuối cùng, có một chú giải rất hấp dẫn liên kết điều răn “mới” với giao ước mới. Như Raymond Brown nhận xét, tác giả Tin Mừng cho thấy rằng “mình đang suy tư về Bữa tối cuối cùng bằng những hạn từ giao ước8. Như đã trình bày trước đây khi bàn về Mười Điều Răn, giao ước và các điều răn liên quan mật thiết với nhau: “Đức Chúa phán với ông Môisen: ‘Hãy ghi chép những lời này, vì dựa trên chính những lời này mà Ta đã lập giao ước với ngươi và với Israel’… Và ông viết trên những bia các điều khoản của giao ước, tức là Mười Điều Răn” (Xh 34,27-28; x. Đnl 4,13). Phía Israel trong giao ước với Thiên Chúa là phải trung thành tuân giữ các giới răn của Chúa, đổi lại, Thiên Chúa sẽ tiếp tục bảo vệ và thi ân cho dân Ngài cho đến khi họ đến và vào Đất Hứa. Tuy nhiên, như một kết quả cho sự phản bội giao ước liên tục của dân Israel ngay khi còn ở hoang mạc và cả khi đã tiến vào Đất Hứa, Thiên Chúa đã khiến cho dân Israel bị đô hộ và lưu đày, sau đó các ngôn sứ bắt đầu nói về một giao ước khác mà Thiên Chúa sẽ cam kết với dân trung thành được chọn lựa của Ngài:
Này sẽ đến những ngày - sấm ngôn của Đức Chúa - Ta sẽ lập với nhà Israel và nhà Giuđa một giao ước mới, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai Cập; chính chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng - sấm ngôn của Đức Chúa. Nhưng đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Israel sau những ngày đó - sấm ngôn của Đức Chúa. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta” (Gr 31,31-34).
Giao ước mới giữa Thiên Chúa và dân tuyển chọn của Ngài, được ngôn sứ Giêrêmia tiên báo, không gì khác hơn là giao ước mà Chúa Giêsu đã tuyên bố khai mạc vào Bữa ăn tối cuối cùng theo Tin Mừng Thánh Marcô, khi Ngài cầm lấy chén rượu và nói: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì nhiều người” (Mc 14,24), được Thánh Luca lặp lại bằng những lời này: “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22,20; x. 1 Cr 11,25).
Trong Sắc lệnh về Giáo Hội, sau khi trích dẫn đoạn Gr 31,31-34, Công đồng Vatican II đã nối kết giao ước mới với điều răn mới như sau:
“Chúa Kitô đã thiết lập minh ước mới ấy, đó là giao ước mới trong máu Người (x. 1 Cr 11,25), Người triệu tập dân chúng từ dân Israel và từ các dân ngoại, họp thành một khối duy nhất trong Thánh Thần chứ không theo xác thịt, để làm họ nên dân tộc mới của Thiên Chúa… Luật của họ là giới răn mới: phải thương yêu nhau như chính Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta (x. Ga 13,34). Sau cùng, cứu cánh của họ, tức là phát triển thêm Nước Thiên Chúa, đã được Ngài khai nguyên trên trần gian, cho tới khi được Ngài hoàn tất trong ngày tận thế”.
Như vậy, Chúa Giêsu là trung gian được Thiên Chúa chỉ định, và quả thực là tác giả của giao ước mới (x. Dt 12,24). Và như giao ước trên núi Sinai qua trung gian ông Môisen có Mười Điều Răn là toàn bộ ý muốn của Thiên Chúa thì giao ước mới cũng đòi hỏi một điều răn mới để làm lề luật cơ bản. Dân mới của Thiên Chúa giờ đây có cam kết khác là phải yêu thương nhau như Chúa Giêsu đã yêu thương họ. “Gương mẫu cho tình yêu của các môn đệ là hành vi yêu thương tối thượng của Chúa Giêsu, từ bỏ cả sự sống mình10. Cam kết này được ban hành dứt khoát khi Chúa Giêsu lên trời sai Chúa Thánh Thần xuống thành lập cộng đoàn giao ước mới, Giáo Hội của Đức Kitô. Lúc đó, nhờ tình yêu được biểu lộ cho nhau mà dân mới này được nhận ra, và như Chúa Giêsu đã tiên báo: “Mọi người sẽ biết rằng các con là môn đệ của Thầy” (Ga 13,35). 

                                                                      ( Jack Mahoney, SJ )                                                            ( Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ )




Chúa Nhật V mùa Phục sinh - Năm C
Lời Chúa: 
Ga 13,31-33a.34-35
31 Khi Giuđa ra khỏi phòng tiệc, Chúa Giêsu liền phán: "Bây giờ Con Người được vinh hiển và Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người. 32Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính mình, và Thiên Chúa sẽ cho Người được vinh hiển.
33a "Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa thôi. 34 Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con, thì các con cũng hãy yêu thương nhau. 35 Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau".
                                                                 
                                                                 (Nguồn: Uỷ ban Thánh Kinh / HĐGMVN)