Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

Ánh sáng thế gian



ÁNH SÁNG CHO CUỘC ĐỜI




“Thiên Chúa là ánh sáng; nơi Ngài, không có một chút bóng tối nào” (1Ga 1, 5). Thiên Chúa là Ánh Sáng có nghĩa Thiên Chúa là Chân Lý, là nguồn Suối Mạc Khải, là nguồn ơn cứu độ, “là nguồn mọi sự thánh thiện”[1].

Ðối ngược với ánh sáng là tối tăm, biểu tượng cho sự sai lầm, sự dữ hay tội ác. Thế giới tối tăm là thế giới của sự chết, của thần dữ. Nơi Thiên Chúa không có một chút bóng tối nào, nghĩa là hoàn toàn rực rỡ và vinh hiển. Ngài là ánh sáng vô biên, siêu phàm, là nguồn sáng của mọi ánh sáng, và là ánh sáng chiếu soi của sự sống muôn đời (x. Kh 22,5).

Bản chất con người được xác định bởi bản chất của vị thần mà họ tôn thờ. Những ai đón nhận Thiên Chúa thì để ánh sáng Ngài chiếu dọi lên toàn thể cuộc sống mình, không còn những ngõ ngách tăm tối trong tâm hồn. Để mình ở ngoài ánh sáng của Thiên Chúa, con người sẽ rơi vào tình trạng mê lầm và hỗn loạn, đánh mất sự sống ngàn đời là chính Thiên Chúa, nên thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy vứt bỏ những việc làm tối tăm (x. Rm 13,2).


Theo sách Sáng Thế, ánh sáng là nguyên tố cao siêu và đơn thuần nhất, được tạo dựng trước tiên, là khởi điểm của trật tự giữa vùng hỗn mang và tăm tối (x. St 1,2-5). Ánh sáng đã hiện thể hóa mọi sự và khai nguyên thế giới. Ánh sáng này không gắn liền với mặt trời (ngày thứ tư mới có), và người Cận Đông coi ánh sáng là một thực tại riêng biệt với mặt trời, mặt trăng: các tinh tú này chỉ là chỗ chứa đựng ánh sáng.

Từ ánh sáng tiên khởi, ánh sáng thiên nhiên đã được làm nên (x. St 1, 14-19). Ánh sáng là yếu tố tối cần cho đời sống nhân loại, không có ánh sáng thì không thể có sự sống. Ánh sáng là nền tảng cho mọi diễn biến và chuyển động của thiên nhiên. Ánh sáng soi đường chỉ lối và làm rạng rỡ lên toàn thể vạn vật, tạo nên sắc màu cho mọi cảnh vật, làm nên sinh hoạt cho mọi sinh vật, làm triển nở cho mọi tạo vật. Không có gì trong vũ trụ này mà không cần tới ánh sáng.

Ánh sáng xác định sự hiện hữu và hình thái của mọi sự vật, sinh vật và con người. Ánh sáng cho thấy ý nghĩa và giá trị của từng môi trường và mọi hoạt động nhân sinh. Đời sống xã hội con người là một hành trình vượt qua để vươn tới ánh sáng văn minh, tiến bộ. Vì những yếu tố trên mà ánh sáng và sự sống đã chung kết nên một, không thể có sự sống mà không có ánh sáng, có ánh sáng là có sự sống triển nở và vươn tới thành toàn.  

Ánh sáng xét theo Phong Thủy là điều rất quan trọng trong mọi sinh hoạt, cách riêng về nơi ăn chốn ở. Ánh sáng sẽ xua tan khí ứ đọng trong nhà, nó là nguồn năng lượng có khả năng thúc đẩy sự lưu động của các luồng khí bị ngăn chặn. Ánh sáng giải vây mọi tù túng, cứng đọng, làm tan loãng sự âm u và lạnh lẽo của bóng tối, làm khởi sắc mọi hoạt động. Biết nhận đúng loại và đủ ánh sáng rất cần thiết cho sức khỏe và cuộc sống hạnh phúc của chúng ta. Vì thế, việc chọn lựa phương hướng phải phù hợp với ánh sáng tự nhiên và thích ứng với cơ địa của mình, để tạo nên sự hài hòa tâm-thể và làm phấn chấn tâm-trí.   

Trên phương diện tinh thần, ánh sáng của Thiên Chúa là minh trí, huệ trí, phơi bày mọi tình trạng của tâm hồn con người, và là biểu hiện của sự thiện hảo. Ánh sáng cho thấy nẻo chính đường ngay, xuyên qua mọi vùng tăm tối của gian tà và tai ác. Đời người là một hành trình vượt qua để vươn tới ánh sáng chân lý, ánh sáng thần thiêng. Ánh sáng là đỉnh cao của sự thuần khiết trong tâm hồn; là sự thanh khiết của một tính cách; là sự tinh khiết của một phẩm hạnh. Trong ánh sáng nhiệm mầu của Thiên Chúa, con người trở nên ánh sáng, và đạt tới Ánh Sáng là chính Đức Giêsu, “Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha” (Ga 1,18).


“Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,9). Để diễn tả Đức Giêsu là ánh sáng thật, thánh Gioan đã dùng hai từ ngữ rất ý nghĩa. Trong tiếng Hy Lạp hai từ này rất giống nhau:

-       Alethes (αληθής) nghĩa là thật, đối lập với giả.

-       Alethinos (αληθινός) nghĩa là đích thực, đối lập với không thực.

Trước khi Đức Giêsu đến, đã có những ánh sáng khác cho loài người noi theo: một số là những tia sáng chớp lóe của chân lý; một số là những cái nhìn thoáng mờ về thực tại; một số khác nữa giống như những đốm lửa rơm lóe lên rồi chợt tắt. Ngày nay vẫn có những tia sáng mập mờ, nhạt nhòa, mà con người vẫn hướng theo.

Chính Đức Giêsu là ánh sáng đích thực duy nhất để soi chiếu nhân gian, và đưa con người tới bến bờ vĩnh hằng. Ngài đã muốn sinh ra trong bóng tối để chiếu lên ánh sáng của Thiên Chúa. Từ bao đời thế lực sự dữ muốn nhấn chìm con người trong bóng tối: từ bóng tối kiêu căng của Evà đến bóng tối ghen ghét của Cain; từ bóng tối khép kín số phận con người vào sự vô nghĩa của định mệnh đến bóng tối cá nhân và hưởng thụ hiện nay.

Đức Giêsu đã trở nên trẻ thơ trong sự tinh ròng thánh thiện, là ánh sáng phá tan bóng tối sự dữ đang vây bọc con người. Ngài đã làm người, biểu hiện ánh sáng khiêm nhường. Ngài đã sống triệt để thánh ý Thiên Chúa, biểu hiện ánh sáng yêu thương. Ngài đã chết đi cho tội lỗi nhân loại, biểu hiện ánh sáng quên mình. Ngài đã xóa đi ghen ghét hận thù biểu hiện ánh sáng hòa bình. Ngài đem lại ơn cứu độ, biểu hiện ánh sáng của hạnh phúc muôn đời.

Đức Giêsu đã khẳng định: “Chính tôi là ánh sáng cho trần gian, ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống.” (Ga 8,12). Ngài là ánh sáng soi trong tối tăm (Ga 1, 5), dẹp tan cảnh hỗn mang hoảng loạn trong lòng người đang bị đam mê, dục vọng và sợ hãi xâu xé. Nơi Ngài, người ta thấy được Thiên Chúa. Trong Ngài, con người được giải phóng khỏi mọi bóng tối tội lỗi và sự chết.

Từ ngữ bóng tối (skotos, skotia) xuất hiện 7 lần trong Phúc Âm Gioan. Bóng tối tiêu biểu cho lãnh vực tự nhiên của tất cả những ai ghét điều thiện. Kẻ làm điều gian ác và xấu xa mới sợ ánh sáng (x. 3, 19. 20). Bóng tối còn tiêu biểu cho sự ngu dốt, nhất là ngu dốt cố ý khước từ ánh sáng Chúa Kitô (x. 8,12). Thời thánh Gioan Tông đồ có một tôn giáo lớn của Ba Tư (Zoroastrianisme) ảnh hưởng nhiều đến tư tưởng con người. Tôn giáo này tin rằng trong vũ trụ có hai lực lượng lớn đối lập nhau, là thần ánh sáng (Ahriman) và thần bóng tối (Ormuzd): toàn thể vũ trụ là bãi chiến trường cho cuộc xung đột ngàn đời giữa ánh sáng và bóng tối. Điều quan trọng nhất là con người lựa chọn đứng về phía nào?

Ánh sáng Chúa Kitô đã khai mở một kỷ nguyên mới cho nhân loại, và đang âm thầm len lỏi vào mọi ngỏ ngách của đời sống con người (x. Ga 11,1), để giúp con người trở thành con cái của ánh sáng (x. Ga 12, 36). Ánh sáng Chúa không chỉ chiếu dọi, thanh luyện, nhưng còn chữa lành, gia tăng sức sống và thần hóa đời ta. Đời sống không có Chúa là đời sống trong tăm tối. Trong tăm tối, cuộc sống chỉ còn là hư vô, và mọi sự trở thành vô nghĩa.

Chúa Kitô, Vị Thầy duy nhất (Mt 23, 8) đem đến cho nhân loại sự sung mãn về mạc khải Thiên Chúa. Tuy nhiên, vẫn cần một vị giáo sư có khả năng làm cho giáo huấn của Chúa Giêsu thấu suốt trái tim và tinh thần nhân loại, là Chúa Thánh Linh,  Đấng mà Chúa Giêsu trao ban cho các môn đệ (Ga 20, 22). Trong mọi thời gian và không gian, ngay cả trong những biến cố thay đổi không ngừng của đời sống, Thánh Linh vẫn luôn hướng dẫn Giáo Hội “tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13).


Nói chung, chẳng ai thích bóng tối, vì bóng tối là dấu hiệu của sự lạc hậu, thiếu văn minh. Thế nhưng nhiều người vẫn ham mê bỏ tiền ra để mua cho được bóng tối. Trước khi có bóng tối bên ngoài thì đã có bóng tối bên trong. Bóng tối bên trong khiến người ta cần đến bóng tối bên ngoài, vì các việc họ làm đều xấu xa(Ga 3,19). Để đón nhận và bước đi trong ánh sáng, đòi ta phải bước ra khỏi vùng u tối, nghĩa là cần một sự hoán cải nội tâm để xoay hướng đời mình theo hướng của ánh sáng.

Ánh sáng và bóng tối của trời đất là điều mà ta chứng kiến mỗi ngày, chúng ta có thể gọi tên và phân biệt dễ dàng. Thế nhưng ánh sáng và bóng tối trong tâm hồn ta thì quả là phức tạp. Ta thường mệt mỏi khi phải đối diện với những xung đột trong chính tâm hồn mình, khi bị đặt giữa những giằng co của ánh sáng và bóng tối. Trong tâm hồn ta luôn có những vùng đầy ánh sáng, là niềm vui, hạnh phúc, những ước mơ đơn sơ ngay lành. Dẫu vậy, trong chính tâm hồn mình vẫn có những vùng bị phủ đầy bóng tối: bóng tối của buồn sầu chán nản, của ích kỷ tự mãn, của những mưu mô, ghen ghét và hận thù, của cả những thói quen xấu xa khiến ta cứ phải kéo lê cuộc đời mình vì không đủ can đảm để dứt bỏ.

Ánh sáng và bóng tối gần với ta như thế, nên ta có thể để cho mình chan hòa ánh sáng, nhưng cũng có thể vùi mình trong bóng tối. Tin Mừng Gioan ghi lại nhận xét của Đức Giêsu trong cuộc đối thoại với ông Nicôđêmô: “Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta yêu chuộng bóng tối hơn ánh sáng” (Ga 3,19).

Nói đến yêu chuộng bóng tối có vẻ khó nghe, nhưng lắm lúc lại thật đúng với lòng mình. Có những lúc ta thấy mình cần chút bóng tối để nương náu, nhất là những lúc thất bại ê chề, những lúc hổ ngươi bẽ mặt, những lúc sai lầm lỗi phạm… Dường như bóng tối che chở ta và cho ta cảm giác an toàn. Ta thấy dễ chịu hơn khi bước đi trong bóng tối. Có những lúc bóng tối là môi trường thuận lợi để ta tự do làm điều mình muốn, sống điều mình thích.

Điều nguy cơ là ta dễ bị nghiện bóng tối. Như người mù đã quen đường đi lối bước trong nhà, ta cũng quen hành động trong bóng tối như thế. Sống càng lâu trong bóng tối, ta càng ngại bước ra ánh sáng. Ánh sáng khiến ta có cảm giác bị phơi trần, bị dò xét, bị phân xử. Ánh sáng khiến mắt ta bị chóa lòa và đau nhức. Phải chăng vì cuộc đời ta đã quá quen với bóng tối?

Đức Giêsu giải thích thực trạng trên thật rõ ràng: “Phàm ai làm điều dữ, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách” (Ga 3, 20). Thật thế, ánh sáng bắt ta phải đối diện với sự thật. Ánh sáng chất vấn và đòi ta phải đặt lại nhiều vấn đề trong cuộc đời mình. Ánh sáng làm bại lộ những điều ta muốn giữ kín, thấy mình mất an toàn, bị đe dọa.

Tuy nhiên, vẫn có một sự thật hiển nhiên mà ta không muốn nghĩ tới: đó là không phải không có đe dọa trong bóng tối, nhưng là vì trong bóng tối, ta không thấy mình bị đe dọa. Hãy nhớ rằng, dù có bước đi với cảm giác an toàn trong bóng tối, ta vẫn là một nạn nhân bị chộp giữ. Ta tưởng mình được tự do, nhưng thực ra là đang cuốn mình lại, không dám lộ mặt ra trước ánh sáng. Ta tưởng mình được bình an, nhưng thực sự đang bất an. Cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối luôn là cuộc chiến không khoan nhượng, hoặc là ta thuộc về ánh sáng, hoặc là ta sẽ bị bóng tối kiềm giữ, không có tình trạng thứ ba.

Chúa thấy hết mọi diễn biến đó trong tâm hồn ta, và Ngài không ngừng chiếu dọi ánh sáng: có thể là một lời nhắc bảo nhẹ nhàng giúp ta cảnh giác; một tấm gương sống thật đẹp mời ta vươn lên; một cử chỉ thân ái làm ta mở lòng; một nụ cười làm ta tươi tỉnh; một khám phá mới về ý nghĩa đời mình khiến ta đổi mới.

Tuy nhiên, vẫn có những đêm tối đức tin trong cuộc đời cần thiết như một sự tinh luyện. Ánh sáng lúc đó dường như biến mất, và mây đen bao phủ. Cảnh vực đó thường làm ta chới với, cảm thấy lâm nguy, mất định hướng. Cứ hãy giữ vững lòng mình, đừng nao núng và hốt hoảng, cứ bám sát lấy Chúa. Chúa không bao giờ rời xa ta, chỉ có ta là muốn xa rời Chúa. Biến động cũng là một cách Chúa hành động để mong có một sự chuyển động tốt hơn trong đời ta.

Đó có thể là lúc Chúa muốn biểu hiện tình yêu và quyền năng của Ngài (x. Mt 14,26). Cứ kiên trì dù ánh sáng không còn, nhưng còn cánh tay Chúa luôn che chở và dìu ta qua đêm tối mịt mù. Cứ ở trong Chúa thì ánh sáng không thể mất. Ánh sáng ấy chỉ lẩn khuất trong bóng đêm để lòng ta thêm ước muốn và khao khát. Khao khát ánh sáng cũng chính là khao khát tình yêu, điều mà Chúa ham thích nơi tâm hồn mỗi người.

Đó cũng là kinh nghiệm thần bí của R. Tagore, được diễn đạt qua những vần thơ sau:

“Ánh sáng, ồ ánh sáng đâu rồi? Hãy lấy lửa thèm muốn nhóm ánh sáng lên nào!...

Thống khổ đến gõ cửa nhà ngươi, nhắn lời rằng chủ ngươi đang thức, và chờ ngươi tới nơi hẹn hò tình tự qua bóng tối màn đêm.

Chớp chợt sáng kéo màn âm u xuống thấp che kín mắt ta.

Tim ta lần lối tìm đường tới nơi nhạc đêm đang réo gọi.

Ánh sáng, ồ ánh sáng đâu rồi?

Hãy lấy lửa thèm muốn nhóm ánh sáng lên nào!

Sấm rền, gió cuốn rít kêu khắp bầu trời rỗng không.

Đêm tối như là tảng đá đen.

Đừng để thời gian trôi đi trong bóng tối.

Hãy thắp sáng đèn tình yêu bằng cuộc sống của ngươi”.

Trong đêm tối đức tin lại là lúc “chủ ngươi đang thức và chờ ngươi tới nơi hẹn hò tình tự”. Kinh nghiệm thần bí của R. Tagore cũng là kinh nghiệm thiêng liêng ít nhiều của một tâm hồn đang hết lòng khao khát Chúa. Thiên Chúa luôn dành cho ta những niềm vui bất ngờ, khôn tả, vì thế “đừng để thời gian trôi đi trong bóng tối. Hãy thắp sáng đèn tình yêu bằng cuộc sống của ngươi”.


Con mắt như là khung cửa kính để ánh sáng chiếu vào toàn thân (x. Mt 6, 22). Ánh sáng như thế nào là do màu sắc và tình trạng của khung cửa kính. Nếu khung cửa kính sạch bụi và trong suốt, ánh sáng tự động tràn vào phòng và mọi chỗ. Trái lại, nếu nó bị dơ bẩn hay lu mờ thì ánh sáng bị ngăn chặn và căn phòng mờ tối.

Trong ý nghĩa đó Đức Giêsu nói đến ánh sáng soi chiếu tâm hồn con người xuyên qua cách nhìn của người đó: “Nếu mắt anh sáng, toàn thân anh sẽ sáng… nếu mắt anh xấu, toàn thân anh sẽ tối” (Mt 6, 23).

Quan điểm, cách thức và góc độ nhìn về tha nhân nói lên mức độ ánh sáng hay bóng tối trong tâm hồn chúng ta. Chính từ những yếu tố đó mà sự thật được hiển hiện nhiều hay ít, chuẩn xác hay lệch lạc. Mặt khác, có khi đôi mắt tâm hồn bị vây vướng chằng chịt bởi những lớp bụi bặm và dơ bẩn của thế gian, khiến ta bất phân thị phi, làm méo mó sự hiện diện của người khác ngay từ trong tâm khảm mình. Thường thì có những tình trạng sau đây:

Thành kiến[2] làm lệch lạc nhãn quan

Thành kiến khiến chúng ta mất sáng suốt trong nhận định, mất quân bình trong phán đoán, mất sự hợp lý và hữu tình trước mọi phản ứng. Thành kiến chỉ đơn thuần là thái độ bám víu vào hiểu biết và kinh nghiệm cũ để áp đặt lên thực tại hay một hoàn cảnh mới. Nói dễ hiểu là ta thường đeo mắt kính màu hồng hay màu đen khi nhìn người, nhìn đời, đang khi mọi sự trong vũ trụ vốn không ngừng biến chuyển, chúng có thể tốt hơn hoặc tệ hơn, không bao giờ giữ nguyên trạng thái. Cuộc sống quá bận rộn nên ta không có nhiều thiện chí để nhìn bất cứ đối tượng nào cũng bằng tâm thức mới, nên thường sử dụng kinh nghiệm cũ, có vẻ như dễ dàng và mau chóng giải quyết được vấn đề, và kết quả là may nhờ rủi chịu.

Hành động đó do bản năng tự vệ của con người, chưa ra khỏi mình, còn quá vụng về và thô thiển. Quả thật, “Đánh đổ một thành kiến khó hơn làm phân hủy một nguyên tử” (Einstein). Bởi vậy, hầu hết những khám phá mới đều phải trải qua một quá trình đấu tranh với những thành kiến. Khi James Simpson khám phá ra hiệu năng của chất chloroform, ông phải đấu tranh với thành kiến của thế giới tôn giáo và y học lúc đó. Người viết tiểu sử của ông đã ghi: “Thành kiến, một cả quyết què quặt, ngoan cố đi trên những lối mòn và tránh né những con đường mới, nỗ lực ngăn chặn ân huệ mới tìm được”. Không lạ gì, “Thành kiến là con đẻ của sự dốt nát” (Hazlitt).

Cái cũ tuy quen thuộc nhưng nghèo nàn; cái mới thường không dễ chịu nhưng dồi dào phong phú, có khả năng đem lại một chân trời tươi sáng cho đời sống. Vì thế, ta phải dám khai tử những ý niệm hay những kinh nghiệm vốn chỉ để bảo vệ cảm xúc nhất thời. Những người bị thành kiến khống chế sẽ không còn cơ hội để thấy được những giá trị và mầu nhiệm của sự sống đang hiện hữu, họ dễ trở thành nạn nhân của lối sống u uất nặng nề, dễ đi tới mặc cảm, lạnh lùng và bế tắc.

Lòng ghen tị làm mờ tối nhãn quan

Ghen tị vì thấy mình thua kém người khác, nhưng điều cao vượt trong cuộc sống không phải là vượt lên người khác, mà là vượt lên chính mình. Lo buồn khi thấy người khác hơn mình là điều phi lý, là tâm trạng thấp kém và tự hạ giá phẩm cách của mình. Vấn đề triển nở đời sống không phải là vấn đề hơn thua, mà là phát huy tư chất cao đẹp của mỗi người.

Mình là mình, đâu thể là người khác. Cần khám phá bản thân mình để thấy những điều tốt, đồng thời học hỏi nơi người khác những điều hay. Ghen tị vì sợ người khác giỏi hơn mình, hoặc ôm mối oán ghét những ai có cảnh ngộ, tài năng, danh giá, địa vị hơn mình, là một loại tâm lý bệnh hoạn.

Ghen tị là một cảm xúc dày vò và đay nghiến ta hằng ngày. Nếu không thể hiểu được những nguyên nhân phía sau lòng ghen tị của mình, ta sẽ không bao giờ có được một cuộc sống bình an và hạnh phúc. Các nhà y học cho rằng, ghen tị ảnh hưởng đến các hệ thống tiêu hóa, thần kinh, miễn dịch, gây ra nhiều chứng bệnh. Về phương diện tinh thần, Bourdaloue cho biết: “Lòng ghen tị len lỏi vào tâm hồn, làm mờ ám trí tuệ  và chai đá con tim”.

Ghen tị là sự kết hợp của nỗi sợ và giận dữ: nỗi sợ bị mất đi thứ gì đó, và giận dữ vì người nào đó có cái mà ta muốn. Cảm xúc đó có thể khiến ta tự co rút bản thân để lẩn tránh nỗi đau. Nhiều cuộc hôn nhân và tình bạn bị đổ vỡ chỉ vì ghen tị. Ghen tị đã bóp méo những sự việc vô tình thành những hành động tội ác, hủy hoại sự thật và làm tan vỡ tình yêu thương, hiệp nhất.

Tính tự phụ che phủ nhãn quan

Trong nguyên ngữ Hy Lạp, tính tự phụ gọi là hyperephanía (ghép bởi hai từ hyper: vượt quá, và phaíno: xuất hiện), ám chỉ điều gì xuất hiện quá thực chất của nó. Tự phụ là tự tôn phong mình, tự thổi phồng mình. Trong khi lòng ghen tị nổi lên vì thấy mình thua kém người khác, thì tính tự phụ dấy lên vì thấy mình hơn người khác.

Tính tự phụ thúc đẩy ta so sánh với người khác: trước tiên là để minh định mình không như họ, tiếp đến là xác định mình hơn họ. Tự nâng mình lên và hạ người khác xuống là thái độ hàm hồ của người tự phụ (x. Lc 18,11).

Thái độ này dẫn đến hành vi chê bai, xét đoán, phê phán, dèm pha và chỉ trích tha nhân.

Thánh Climacus ví kẻ tự phụ giống như người nằm chiêm bao, bày ra đủ trò khoái lạc. Tiếc là chúng chỉ xuất hiện trong óc tưởng tượng thôi. Nói thế có nghĩa là kẻ tự phụ đã tự lừa dối mình. Vì sống trong ảo tưởng, nên kẻ tự phụ cũng không thấy được thực chất quan trọng của những gì bé nhỏ thường ngày. Thánh Phaolô đã dùng một hình ảnh rất đẹp về điều đó khi so sánh với các cơ quan trong một thân thể: những bộ phận xem ra kém nhất thì lại trở nên quan trọng cho sự sống (x. 1Cr 12,14-26).

Xét cách sâu xa hơn, người tự phụ cậy dựa vào sức lực cá nhân thay vì tin tưởng vào sự trợ lực của Thiên Chúa. Sở dĩ ta dám đặt mình lên trên tha nhân vì coi cuộc sống là một sự chiếm hữu chứ không phải một ân ban. Tính tự phụ thường phát sinh khi nào con tim vắng bóng Chúa hoặc Chúa bị che khuất bởi cái “tôi” của mình. Do đó, cám dỗ tự phụ là ngọn đòn chí tử cuối cùng mà ma quỉ thường dùng để kết liễu trận chiến đối với những ai đã dầy công trên đường nhân đức, vì nó chỉ chiến thắng khi tách lìa ta ra khỏi Thiên Chúa.

Tính tự phụ có ảnh hưởng gấp đôi trên nhãn quan một người, khiến người ấy không còn nhìn về Chúa, không còn thấy được thực trạng của mình và tha nhân. Ánh sáng mà người ấy nhờ đó để thấy mình và thấy người khác sẽ chỉ còn là bóng tối.

Tính hẹp hòi ích kỷ khóa chặt nhãn quan

Từ “sáng” trong tiếng Hy Lạp là haplous. Trong Thánh Kinh, từ này thường có nghĩa là rộng rãi, bao dung. Thánh Giacôbê cho thấy Chúa là Đấng ban cho cách rộng rãi (x. Gc 1,5). Thánh Phaolô khuyên tín hữu bố thí cách rộng rãi (x. Rm 12, 8).

Còn từ “Mắt xấu” trong tiếng Hy Lạp là poneros. Bản Bảy Mươi và Tân Ước dùng từ này với nghĩa keo kiệt, bần tiện. Khi dùng từ này (x. Mt 6, 23) Chúa Giêsu muốn nói: “Chỉ lòng rộng rãi mới giúp người ta có cái nhìn trong sáng, đúng đắn về con người và cuộc sống. Còn tính keo kiệt, tinh thần hẹp hòi sẽ làm cái nhìn trở nên thiển cận”[3].

Hằng ngày tiếng thơm của nhiều người vô tội bị chôn vùi dưới miệng lưỡi của những kẻ tâm địa hẹp hòi. Tha nhân sẽ bớt phiền não biết bao nếu ta có cái nhìn bao dung rộng mở. Dù xấu đến đâu thì người rộng rãi bao dung vẫn được quí mến, nhưng dù tốt đến mấy thì người keo kiệt bần tiện cũng đều bị chê ghét. Chỉ có đôi mắt rộng rãi bao dung mới là đôi mắt sáng, để thấy rõ và thấy theo cái nhìn của Chúa. Ánh sáng Chúa luôn rực rỡ khiến ta ước ao được tinh luyện và trở thành ánh sáng.


Thiên Chúa nói với chúng ta qua ngôn sứ Isaia như sau: “Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất” (Is 49,1-6).

Dân Do Thái vẫn từng nói về Giêrusalem là “Ánh sáng cho dân ngoại” (Is 42, 6; 49, 6). Một Rápbi danh tiếng thường được gọi là “Ngọn đèn của Israel”. Có một điều mà người Do Thái quả quyết là không ai tự thắp đèn của mình. Tuy Giêrusalem là “ánh sáng của dân ngoại”, nhưng chính Thiên Chúa đã thắp sáng “ngọn đèn Israel” (Tv 18,29). Như vậy, ánh sáng mà dân tộc hoặc người của Thiên Chúa soi chiếu chỉ là ánh sáng vay mượn.

Cách người Do thái dùng từ này là chìa khóa mở ra ý nghĩa nội dung mà Chúa Giêsu dùng nó. Ngài đã xác định vai trò và tính chất của những người theo Ngài như sau: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,14). Chúa Giêsu muốn nói về hiện hữu thâm sâu nhất của những ai ở trong Ngài. Điều này đòi hỏi các môn đệ phải nên đồng hình đồng dạng với Thầy mình (x. Pl 3,10).

Chúng ta đã đón nhận ánh sáng qua Phép Rửa, trở thành ánh sáng qua Phép Thêm Sức, làm một với ánh sáng qua Phép Thánh Thể. Trong ánh sáng Chúa Kitô, chúng ta trở nên ánh sáng để đem lại ơn cứu độ cho mọi người. Chúa không đòi ta tạo ra ánh sáng cho mình mà chỉ cần ta phản chiếu ánh sáng của Ngài. Ánh sáng đó tỏa ra do sự hiện hiện của Chúa trong lòng mình. Ai đã quen chiêm ngắm Chúa và chìm sâu trong Ngài, thì cũng thấm nhuần lối sống và cách hành động của Ngài. Đó là điều phản chiếu tự nhiên và cũng rất siêu nhiên, vì tình yêu đã làm cho cả hai nên một. Người ta thường trông thấy diện mạo của một cô dâu rạng rỡ, nhưng sự rạng rỡ đó do tình yêu phát ra từ trong lòng nàng. Cũng vậy, cứ để cho tình yêu Chúa thấm nhập vào lòng mình và dâng trào cách tự nhiên thì tự động ta trở thành ánh sáng của Chúa. 

Ánh sáng soi chiếu

Là môn đệ Đức Kitô, chúng ta phải tự minh định đời mình là cây đèn cháy sáng. Vị trí của cây đèn là phải đặt trên đế để soi chiếu cho mọi người nhìn thấy đường đi (x. Lc 8,16-18). Kitô giáo tự bản chất là một điều gì phải nêu cao, phải phô diễn trong đời sống các tín hữu. Nếu đời Kitô hữu chỉ dừng lại ở cửa nhà thờ thôi thì chẳng ích lợi cho ai. Ánh sáng của chúng ta phải biểu lộ trong tương quan với mọi người, mọi sự: trong thái độ, cung cách, lời ăn tiếng nói, giao tiếp, ứng xử, v.v.

Chính Chúa Giêsu đã minh định: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ nhìn thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16). Trong tiếng Hy Lạp có hai từ chỉ về sự “tốt”, “đẹp”:

- Agathos (αγαθός) : chỉ cái gì tốt về phẩm chất.

- Kalos (καλός): chỉ một vật hay một việc không chỉ tốt mà còn đẹp, hấp dẫn,  có sức chinh phục.

Từ được dùng ở câu Phúc Âm trên là Kalos (καλός). Các việc lành của chúng ta không chỉ tốt thôi mà còn đẹp hấp dẫn nữa. Chắc chắn một việc lành như thế phải hoàn toàn vị tha, vì Làm lành mà mong trời báo thì không được phúc, làm ơn mà chờ người trả thì không được đức” (Dã Thạch Quỳ). Đó không chỉ là một vài nghĩa cử hay hành vi cao đẹp khiến người ta thán phục, khen lao, nhưng là cả một đời sống hy sinh âm thầm.

Có những khi ta làm việc lành theo lề thói bên ngoài, còn bên trong tâm hồn vẫn cứng cỏi, lạnh lùng và nghiêm khắc, không chiếu dọi được ánh sáng dịu dàng và khả ái, là nét hấp dẫn của Đức Kitô. Đó là chưa nói tới những trường hợp ta làm việc lành với ý đồ chiếm cứ danh lợi, làm thô thiển khuôn mặt Đức Kitô trong đời mình.

Người tốt lành là người không hề muốn lôi kéo sự chú ý của người khác, nhưng qui hướng họ về Chúa là nguồn ánh sáng. Chính Chúa mới tiếp tục tuôn đổ trên cuộc đời họ ánh sáng chân lý, sự sống và tình yêu không bao giờ vơi cạn. Mong muốn lôi kéo sự cảm phục của người khác để làm nên danh giá hay uy tín cho mình là một ý đồ nham hiểm, là muốn dùng ánh sáng Chúa như bình phong để đánh bóng cho bản thân. Việc tốt lành lúc đó sẽ biến thành mưu toan, và ánh sáng trong ta chẳng mấy chốc lụi tàn.

Ánh sáng dẫn đường

Trước bao nhiêu bóng tối của cuộc đời, Kitô hữu là người soi đường dẫn lối cho kẻ khác (x. Pl 2,15), nghĩa là phải nên gương sáng cho họ. Thế gian luôn cần những con người làm gương, làm tiêu chuẩn cho điều thiện hảo. Trước những áp bức, bất công, kỳ thị, gian trá… nếu không có ai dám lên tiếng, thì tất cả sẽ lặn chìm trong sự tối tăm. Nhưng nếu có ai dám can đảm lên tiếng thì mọi người sẽ làm theo. Nếu người nào đủ sức mạnh đạo đức và lòng kiên vững thì người ta sẽ noi theo để làm điều thiện.

Phận sự của chúng ta là giữ vững lập trường để anh em yếu đuối được nương tựa. Sức mạnh của chúng ta là ở trong Đức Kitô, luôn là ánh sáng của Ngài, để hướng tha nhân vào đường đoan chính, là khởi xướng lên hành động cao đẹp để họ có thể làm điều mà tự họ không dám làm.

Ánh sáng báo hiệu

Ánh sáng cũng là ngọn đèn báo hiệu cho ta biết phải dừng lại hay quay về hướng nào. Nó còn là lời cảnh giác cho ta thấy những tình huống nguy hiểm đang ở phía trước. Bổn phận Kitô hữu là đem lại sự cảnh tỉnh cần thiết cho đồng loại. Một trong những tình cảnh bi đát nhất của đời sống con người, nhất là các bạn trẻ, là không nhận được lời cảnh giác sớm hơn hay đúng lúc, để rồi có khi phải hối tiếc và đau thương một đời. Nếu những lời cảnh giác hoặc cảnh cáo của ta đưa ra không vì giận dữ hay tức bực, không mang tính chỉ trích, lên án, gây tổn thương cho người khác, nhưng với tình thương chân thật thì hiệu quả biết bao!

Ánh sáng chan hòa mang lại sinh khí và sức sống mới cho cuộc đời chính là ánh sáng Chúa Kitô, đã được chuyển thông vào toàn thể cuộc sống chúng ta, để mỗi người trở nên cây đèn sáng trong Ngài.


Điều đáng ngại là ta dễ bị cám dỗ để sống rập khuôn theo lối sống người đời. Vì sợ bị nhạo báng chê cười, sợ bị coi là người cổ hủ, không tiến bộ, có khi bị coi là những kẻ sống ngược đời, nên ta phải che giấu cây đèn của mình dưới đáy thùng hay gầm giường (x. Mc 4, 21).

Dù đời sống ta có nhiều khó khăn và quẫn bách thì phải nhớ rằng, bản chất của mình là cây đèn chiếu sáng của Đức Kitô. Đó không chỉ là một trách nhiệm mà trước tiên là một đặc ân đã được trao ban. Ít khi ta ý thức sâu xa về điều này, nên nhiều khi sống lập lờ, lấp lửng, hoặc hổ thẹn che giấu ánh sáng mình trong mọi tương quan:

- Che giấu với chính mình. Đó là thái độ nhắm mắt làm ngơ trước những hậu quả mà ta biết rõ. Cũng như người mắc bệnh hiểm nghèo mà cứ ém nhẹm để mong nó tự động qua đi; hay như con chim đà điểu khi gặp thợ săn thì cứ nhắm mắt chui đầu vào đống cát và đưa cái lưng ra ngoài, tưởng rằng không nhìn thấy nữa thì sẽ yên thân. Người che giấu với chính mình nghĩ rằng đó là cách thế an toàn, nhưng rồi không an bình, vì xung đột vẫn nổi lên và nguy nan đang kéo đến. Không sống thật với chính mình là đánh mất chính mình.

- Che giấu với đồng loại. Kẻ phải luôn che giấu với người khác là kẻ không có hạnh phúc, cứ phải nơm nớp lo sợ: sợ người người khác chê bai, sợ liên lụy, sợ mất mát thiệt thòi, sợ đau thương.... Nhưng rồi “chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không đưa ra ánh sáng” (Lc 8,17). Có những sự thật phải can đảm nói lên; có những niềm vui nỗi buồn cần chia sẻ; có những kinh nghiệm nên trao đổi; có những tệ trạng và xấu xa đòi phải khử trừ… Đáng tiếc là có những chủ thuyết sai lầm, những chủ trương sai lạc, những lối sống sai quấy, những giả trang và ngụy tạo gây nên bao hư hại cho đời sống con người, nhưng ta vẫn im hơi lặng tiếng. Phải chăng đó là thái độ đồng lõa, thỏa hiệp với sự dữ?

- Che giấu với Thiên Chúa. Có gì che giấu được Thiên Chúa, nhưng rồi nhiều khi ta vẫn khép kín lòng mình. Dường như có gì đó bất an khi mở lòng mình ra với Chúa? Phải chăng ta muốn làm ngơ trước một tệ trạng mà mình chưa muốn vượt qua? Phải chăng ta sợ mất mát, đau thương và tủi nhục? Thật ra, trạng thái chữa lành bao giờ cũng gây nên nhức nhối và khiến ta cảm thấy nhục nhằn, nhưng sau đó là niềm vui và hạnh phúc. Không trải nghiệm về một sự sống dồi dào và phong phú hơn nên ta cứ phải bưng bít với bản thân và né tránh Thiên Chúa dưới nhiều cách thái.

Hãy can đảm mở lòng ra! Cứ hãy cháy sáng và đặt cây đèn đời mình vào vị trí mà Chúa muốn. Lúc đó, ta sẽ thấy mọi sự khác đi, không còn ngậm ngùi, nhưng chan hòa niềm vui sự sống cho mình và tha nhân.

Biết rằng, đèn càng cháy sáng càng tốn nhiều nhiên liệu, nghĩa là phải chấp nhận hao mòn sức khỏe, tâm trí, thời giờ, tiền của… mà nhiều khi còn gặp nhiều hiểu lầm, chống đối, bị từ chối và loại trừ… có khi còn phải thiệt thân như Đức Kitô là Ánh Sáng. Nhưng ánh sáng của ta không mất đi trong sự cạn kiệt hay cái chết tạm bợ của đời sống này, nhưng lại bừng sáng lên trong Ánh Sáng Phục Sinh, kết hiệp làm một với Ánh Sáng Vĩnh Cửu.

Kết luận

Để kết luận, ta nghe Mẹ Têrêxa kể lại một ngày kia tại Melbourne, Úc, Mẹ đến thăm viếng một người đàn ông nghèo nàn không được một ai quan tâm đến. Ông ta sinh sống dưới tầng hầm, trong một căn phòng dơ dáy, hôi tanh, không có ánh sáng. Mẹ bắt đầu bằng việc thu dọn và sắp xếp lại căn phòng. Ban đầu, ông ta cự tuyệt:

-   “Bà cứ để mọi sự như cũ. Tôi quen như vậy rồi”.

Dù thế, Mẹ vẫn cứ xúc tiến công việc dọn dẹp và gợi chuyện để nói với ông. Tình cờ, dưới một đống rác, Mẹ phát hiện ra một cây đèn dầu phủ đầy bụi bặm. Mẹ lấy cây đèn ra lau chùi, và nhận thấy nó khá đẹp. Mẹ nói với ông ta:

-  “Ở đây, ông có một cây đèn rất đẹp. Sao ông không bao giờ thắp sáng nó lên vậy?”.

Người đàn ông này đáp:

-  “Tôi không bao giờ thắp sáng cây đèn đó vì có ai đến thăm tôi đâu!”

Hai trong số các nữ tu của Mẹ Têrêxa bắt đầu thường xuyên đến thăm ông. Mọi sự dần dần được cải thiện đối với ông ta. Mỗi lần các nữ tu đến thăm, thì ông ta đều thắp đèn lên. Thế rồi một ngày kia, ông nói với các nữ tu:

-       “Thưa các Sơ, kể từ nay, tôi có thể tự xoay sở được rồi. Xin nói dùm với người nữ tu đầu tiên đến thăm tôi rằng, ánh sáng mà bà đã thắp lên trong cuộc đời tôi hiện vẫn còn đang cháy sáng”.

Cây đèn bên ngoài đã được thắp lên, vì ngọn đèn trong tim ông đã sáng lên. Ánh sáng đó được truyền qua nhờ lòng nhân ái của Mẹ Têrêxa và các nữ tu của Mẹ.

Ánh sáng hay ngọn lửa mà Đức Kitô đã thắp lên vẫn luôn cháy sáng và lan tỏa trong thế giới hôm nay. Ngọn lửa tình yêu ấy vẫn âm ỉ và bốc cháy trong tôi, trong anh, trong chị, trong mọi người. Đừng để ngọn lửa ấy nguội dần theo năm tháng, nhưng hãy nung nấu mạnh hơn nữa trong sự gắn bó với Đức Kitô và tìm cách lan rộng đến tha nhân, nhất là trong sự phục vụ những người bé nhỏ, nghèo hèn, đang sống trong cô đơn, buồn phiền, thất vọng. Trong ánh sáng của Đức Kitô, mỗi người chúng ta phải trở nên ánh sáng cho người khác trong một thế giới còn nhiều tối tăm, để tất cả được chiếu sáng trong sự Phục Sinh vinh hiển của Chúa. Đó là sứ mạng cao cả và là niềm vui lớn lao cho chúng ta hôm nay và mãi mãi.

Lạy Chúa Giêsu! Ánh sáng linh thiêng của đời sống nhân loại chúng con. Con vô vàn cảm tạ Chúa, Đấng đem lại cho con ánh sáng sự sống, ánh sáng tình yêu, ánh sáng tự do, ánh sáng bình an và hạnh phúc ngàn đời.

Cuộc đời vui biết bao khi con ở trong ánh sáng của Chúa. Con chỉ cảm thấy buồn sầu và ray rứt khi để cho bóng tối len lỏi vào trong tâm trí mình.

Con thấy thật an bình và hạnh phúc khi vui hưởng ánh sáng thánh thiện của Chúa, khi trở nên ánh sáng cho anh em mình. Nhưng rồi, bóng tối vẫn là một cám dỗ không ngừng trên mọi phương diện của đời sống.

Mất ánh sáng của Chúa, con cảm thấy ngột ngạt, nặng nề, khốn khổ. Mất ánh sáng của Chúa, con mất hứng thú để sống, mất niềm vui để sáng tạo, thấy mọi việc mình làm đều vô vị, vô nghĩa, vô vọng. 

Thỉnh thoảng con lại khám phá ra trong mình vẫn còn những chỗ tối tăm chưa được khai sáng; vẫn còn những cảnh mù mờ chưa được khai quang; vẫn còn những ngục thất chưa được khai phóng; vẫn còn những hỗn mang chưa được khai nguyên.

Con thấy ánh sáng Chúa dẫn đưa con đi trên mỗi chặng đường, nhưng vẫn có bóng tối trên từng đoạn đường. Dù tình thế nào thì xin cho con vẫn bám sát lấy Chúa trên suốt con đường.

Chúa biết tình trạng không hay không tốt nơi chúng con, nhưng vẫn tín nhiệm đặt chúng con là ánh sáng của Chúa cho trần gian. Xin tinh luyện tâm hồn chúng con nên tinh sáng hơn, để ước vọng của Chúa nơi chúng con được hoàn thành, và hy vọng của chúng con nơi Chúa được hoàn tất. Amen. 

                                                                              ( Lm. Thái Nguyên )




Gặp gỡ Giới trẻ Giáo hạt Phú Thọ tại Nhà thờ Phú Bình, Q 11 , vào ngày 13-3-2016.























Ánh sáng thế gian

Thứ Tư tuần IV mùa Phục sinh
Lời Chúa: 
Ga 12,44-50
Khi ấy, Chúa Giêsu lớn tiếng nói rằng: "Ai tin vào Ta thì không phải là tin vào Ta, nhưng là tin vào Ðấng đã sai Ta. Và ai thấy Ta là thấy Ðấng đã sai Ta. Ta là sự sáng đã đến thế gian, để bất cứ ai tin Ta, người ấy sẽ không ở trong sự tối tăm. Nếu ai nghe lời Ta mà không tuân giữ, thì không phải chính Ta xét xử người ấy, vì Ta đã đến không phải để xét xử thế gian, nhưng là để cứu độ thế gian. Ai khinh dể Ta, và không chấp nhận lời Ta, thì đã có người xét xử: lời Ta đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết. Bởi vì Ta đã không tự mình nói ra, nhưng Cha là Ðấng sai Ta, chính Người đã ra lệnh cho Ta phải nói gì và phải công bố gì. Và Ta biết rằng lệnh của Người là sự sống đời đời. Những điều Ta nói, thì Ta nói theo như Cha đã dạy".
                                                                    (Nguồn: Ủy ban Thánh Kinh / HĐGMVN)

CỬA RÀN CHIÊN








CỬA CHUỒNG CHIÊN





Ở Do Thái, tại các làng mạc và thị trấn, có những đàn chiên cộng đồng, tất cả các bầy chiên tại địa phương đó đều được nhốt chung khi chúng trở về buổi tối. Các chuồng chiên ấy được bảo vệ bằng một khung cửa thật chắc chắn mà chỉ có người canh cửa mới được giữ chìa khóa mà thôi. Đó là loại chuồng chiên mà Chúa đề cập: “Ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. Người giữ cửa mở cho anh ta vào”  (Ga 10, 2-3).

Nhưng đến mùa nắng ấm, khi chiên được thả trên núi, đêm đến không lùa về làng, thì chúng được nhốt trong các chuồng chiên ngoài sườn đồi. Các chuồng chiên trên sườn núi này chỉ là một khoảng đất trống có rào chung quanh, có một chỗ trống cho chiên ra vào, không có cửa rả gì cả. Đêm đến người chăn chiên nằm ngay tại khoảng đất trống làm chỗ ra vào, không có chiên nào ra vào được, trừ phi nó bước qua anh ta…

Người chăn chiên chính là cái cửa, không có lối nào để ra vào được chuồng chiên, ngoại trừ bước qua chính người chăn như Chúa Giêsu khẳng định: “Tôi là cửa chuồng chiên”. Hình ảnh về cửa chuồng chiên và người mục tử đối với đối với người Do thái lại là hình ảnh rất quen thuộc….Giống như hình ảnh cậu bé chăn cừu, chăn trâu, chăn bò, canh bầy vịt ngoài đồng trong xã hội Việt Nam.

Ngay từ thời Cựu Ước, hình ảnh người mục tử xả thân cho đàn chiên là nguồn hứng khởi cho các văn sĩ Thánh Kinh mô tả Thiên Chúa như một vị Mục tử: Thiên Chúa đã xả thân cho Israel không khác gì người mục tử làm tất cả cho đoàn chiên, vì thế tác giả Thánh vịnh 23 đã hát lên bài ca tụng Mục tử nhân hậu: Chúa là Mục tử tôi, Tôi không còn thiếu gì. Dù phải đi qua thung lũng tối đen Tôi cũng không hề lo sợ (x.Tv 23)

Sang thời Tân Ước, Chúa Giêsu tiếp tục khai triển hình ảnh vị Mục tử nhân lành, đề nhấn mạnh sự yêu thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta qua hình ảnh chiên được chăm sóc như Ngài đã khẳng định :”Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Người mục tử nhân lành, biết từng con chiên và gọi mỗi con theo tên của nó, săn sóc từng con chiên như  hình ảnh thi vị mà Chúa Giêsu đã nói: ”Ta là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên” (Ga 10,11). Người mục tử nhân lành biết lo liệu cho đàn chiên của mình vào ban đêm trước sự nguy hiểm của sói dữ, và ban ngày, sẽ dẫn chiên tới đồng cỏ xanh tươi với dòng suối mát như tác giả Thánh Vịnh 23 vẫn hát lên: "Trong đồng cỏ xanh tươi Người cho tôi nằm nghỉ, Người cho tôi dòng nước trong lành" (Tv 23,2). Chúng ta được săn sóc và sống an bình như chiên sống trong tay Đấng chăn chiên lành, tin tưởng vào Ngài trong mọi trạng huống của cuộc sống.

Người mục tử luôn đi tiên phong, đứng mũi chịu sào, mở đường an bình cho cả đòan chiên theo sau. Chiên nào nhận biết tiếng của người mục tử đi theo sự dẫn dắt của ngài. Mục Tử nhân lành gọi "tên từng con chiên một và "dẫn chúng đi ăn”!. Giave như là mục tử dẫn dắt cuộc xuất hành “dẫn đưa” Israel ra khỏi nhà nô lệ (x. Ex 3,10; 6,27; Lv 19,36). Cựu Ước còn loan báo trước: Đấng Thiên sai sẽ đến như một mục tử Người sẽ chăn dắt (x. Mk 5,3), Ngôn sứ Edêkien nhấn mạnh " Ta sẽ cho chỗi dậy một mục tử duy nhất, Người sẽ chăn dắt chúng" (Ed 34,23) .

Chúa Giêsu là Người mục tử nhân lành, Người Mục tử cũng chính là cửa của chuồng chiên. Cửa cho đàn chiên  ra vào. Với hình ảnh đơn giản trong 3 câu ngắn ngủi, Ngài đã hai lần lặp lại: “Tôi là cửa”, “Tôi là cửa chuồng chiên”. Tất cả những kẻ đến trước đều là trộm cướp và chiên đã không nghe chúng. Tôi là cửa, ai qua Tôi mà vào thì sẽ được cứu rỗi” (Ga 10,8-9)…

Cửa là để mở ra hay đóng lại: Mở ra cho kẻ ở ngoài vào trong hay ở trong ra ngoài.  Đóng lại để ngăn cản cả trong lẫn ngoài: Nội bất xuất, ngoại bất nhập.

Sách cổ có ghi: ‘‘Thùy năng xuất tất do hộ” : Ai ra vào nhà cũng đều phải qua cửa.

Cửa xác định ai là kẻ trộm, kẻ cướp, và ai là mục tử chính danh như Chúa Giêsu đã khẳng định: ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử” (Ga 10,2).  Ai không qua cửa mà vào, nhưng lại trèo vào  lối khác, là không đến với đàn chiên một cách chính thức, thì kẻ ấy là kẻ trộm và kẻ cướp. Tác giả A. Marchadour suy niệm: "Cửa chuồng chiên" khi nói thế, Đức Giêsu muốn minh định mình là lối vào duy nhất để gặp được đoàn chiên: “để đến với đoàn chiên, hình ảnh của dân Thiên-Chúa, phải đi qua Đức Giêsu. Ngoài ngài ra, không còn cách nào để đến với dân Chúa và với sự sống" (A. Marchadour, "Tin Mừng theo thánh Gioan", Centturion, 1992,p.143).

Sách Giáo lý Công giáo nói về sứ mạng Giáo Hội trong tương quan với sứ mạng của Chúa Giêsu: “Giáo Hội là chuồng chiên với Chúa Kitô là cửa vào độc nhất và cần thiết. Giáo Hội cũng là đàn chiên mà chính Thiên Chúa đã công bố rằng Ngài sẽ là mục tử, và những con chiên, dầu có những mục tử loài người dẫn dắt, nhưng chúng luôn luôn có chính Chúa Kitô hướng dẫn và nuôi dưỡng, vì Ngài là chủ chăn tốt lành và là ông hoàng của các chủ chăn. Ngài đã thí mạng sống mình vì các chiên của Ngài”.

Chúa Giêsu là cánh cửa mở rộng mời đón tất cả mọi người, Ngài là cửa biết đóng lại đúng lúc để bảo vệ những ai đã vào trong khỏi sói dữ, khỏi gió bão, và khỏi bất cứ sự dữ nào từ bên ngoài. Ngài là cửa dẫn tới sự sống: "Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu, người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ" (Ga 10,9). Ai đến với Đức Giêsu sẽ cảm thấy được tự do, được no thỏa trong nguồn mạch ân sủng và tình yêu của Ngài

Sống trong đoàn chiên của Giáo Hội, chúng ta được Chúa Giêsu mục tử luôn chăm sóc, bảo vệ, đi đến sự sống qua Cửa Chuồng Chiên. Ngài cũng gọi các linh mục tu sĩ trở nên mục tử đi qua Cửa là chính Ngài. Chúng ta xin cho những vị mục tử mang trái tim của Chúa Giêsu mục tử: Say mê Thiên Chúa và say mê con người, hy sinh đời mình để bảo vệ đoàn chiên và dẫn đưa chúng con đến với Chúa là Nguồn Sống thật. Các vị mục tử biết hăng say làm việc tông đồ, khao khát làm cho muôn dân trở thành môn đệ Chúa. Cho có nhiều ơn gọi nhìn vào Chúa Giêsu mục tử để tiến bước vào sứ vụ…

Như Chúa Giêsu là cửa chuồng chiên và là người mục tử: người mang sứ vụ mục tử hôm nay đi vào đoàn chiên và phục vụ đoàn chiên là người qua chính cửa mà vào. Thật thế, người mục tử chân chính mang cung cách phục vụ như  Chúa Giêsu  đã phục vụ, nghĩa là sẵn sàng hiến thân cho và vì tha nhân : Người mục tử sẵn sàng hy sinh vì đoàn chiên như Chúa Giêsu đã tuyên bố: "Tôi hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên" (Ga 10,12b). Hy sinh mạng sống vì chiên, một tình yêu vĩ đại: "Không có tình yêu nào cao vời cho bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu" (Ga 15, 13).

Ngày Chúa Nhật Chúa Chiên lành, ngày cầu nguyện cho ơn gọi linh mục tu sĩ, chúng ta luôn cầu xin trong Gíao Hội luôn có những Mục tử như lòng Chúa mong ước, mục tử đi qua cửa…

Tôi, bạn cũng trở nên người biết lắng nghe tiếng Chúa như chiên nghe và biết nhận tiếng mục tử đề đi trong sự an bình như Thánh vịnh gợi mở :


"Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì
…Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính
…dầu qua lũng âm u
con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng"
                                         (Tv 23,1.3.4)

Thật thế,


Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi,
hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn
                          (Tv 62,2).

   ( Lm. Vinh Sơn scj )




Tĩnh nguyện Mùa Chay 2016 tại Nhà Nguyện Trung tâm Mục vụ Saigon

Chủ đề :  " NỖI ĐAU CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT "


























Thứ Hai tuần IV mùa Phục Sinh

Lời Chúa: 
Ga 10,1-10



1 Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Thật, Ta bảo thật cùng các ngươi, ai không qua cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào lối khác, thì người ấy là kẻ trộm cướp. 2 Còn ai qua cửa mà vào, thì là kẻ chăn chiên. 3 Kẻ ấy sẽ được người giữ cửa mở cho, và chiên nghe theo tiếng kẻ ấy. Kẻ ấy sẽ gọi đích danh từng con chiên mình và dẫn ra. 4Khi đã lùa chiên mình ra ngoài, kẻ ấy đi trước, và chiên theo sau, vì chúng quen tiếng kẻ ấy. 5 Chúng sẽ không theo người lạ, trái lại, còn trốn tránh, vì chúng không quen tiếng người lạ".
6 Chúa Giêsu phán dụ ngôn này, nhưng họ không hiểu Người muốn nói gì. 7 Bấy giờ Chúa Giêsu nói thêm: "Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ta là cửa chuồng chiên. 8 Tất cả những kẻ đã đến trước đều là trộm cướp, và chiên đã không nghe chúng. 9 Ta là cửa, ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của nuôi thân.10 Kẻ trộm có đến thì chỉ đến để ăn trộm, để sát hại và phá huỷ. Còn Ta, Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào".