Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

CỬA RÀN CHIÊN








CỬA CHUỒNG CHIÊN





Ở Do Thái, tại các làng mạc và thị trấn, có những đàn chiên cộng đồng, tất cả các bầy chiên tại địa phương đó đều được nhốt chung khi chúng trở về buổi tối. Các chuồng chiên ấy được bảo vệ bằng một khung cửa thật chắc chắn mà chỉ có người canh cửa mới được giữ chìa khóa mà thôi. Đó là loại chuồng chiên mà Chúa đề cập: “Ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. Người giữ cửa mở cho anh ta vào”  (Ga 10, 2-3).

Nhưng đến mùa nắng ấm, khi chiên được thả trên núi, đêm đến không lùa về làng, thì chúng được nhốt trong các chuồng chiên ngoài sườn đồi. Các chuồng chiên trên sườn núi này chỉ là một khoảng đất trống có rào chung quanh, có một chỗ trống cho chiên ra vào, không có cửa rả gì cả. Đêm đến người chăn chiên nằm ngay tại khoảng đất trống làm chỗ ra vào, không có chiên nào ra vào được, trừ phi nó bước qua anh ta…

Người chăn chiên chính là cái cửa, không có lối nào để ra vào được chuồng chiên, ngoại trừ bước qua chính người chăn như Chúa Giêsu khẳng định: “Tôi là cửa chuồng chiên”. Hình ảnh về cửa chuồng chiên và người mục tử đối với đối với người Do thái lại là hình ảnh rất quen thuộc….Giống như hình ảnh cậu bé chăn cừu, chăn trâu, chăn bò, canh bầy vịt ngoài đồng trong xã hội Việt Nam.

Ngay từ thời Cựu Ước, hình ảnh người mục tử xả thân cho đàn chiên là nguồn hứng khởi cho các văn sĩ Thánh Kinh mô tả Thiên Chúa như một vị Mục tử: Thiên Chúa đã xả thân cho Israel không khác gì người mục tử làm tất cả cho đoàn chiên, vì thế tác giả Thánh vịnh 23 đã hát lên bài ca tụng Mục tử nhân hậu: Chúa là Mục tử tôi, Tôi không còn thiếu gì. Dù phải đi qua thung lũng tối đen Tôi cũng không hề lo sợ (x.Tv 23)

Sang thời Tân Ước, Chúa Giêsu tiếp tục khai triển hình ảnh vị Mục tử nhân lành, đề nhấn mạnh sự yêu thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta qua hình ảnh chiên được chăm sóc như Ngài đã khẳng định :”Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Người mục tử nhân lành, biết từng con chiên và gọi mỗi con theo tên của nó, săn sóc từng con chiên như  hình ảnh thi vị mà Chúa Giêsu đã nói: ”Ta là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên” (Ga 10,11). Người mục tử nhân lành biết lo liệu cho đàn chiên của mình vào ban đêm trước sự nguy hiểm của sói dữ, và ban ngày, sẽ dẫn chiên tới đồng cỏ xanh tươi với dòng suối mát như tác giả Thánh Vịnh 23 vẫn hát lên: "Trong đồng cỏ xanh tươi Người cho tôi nằm nghỉ, Người cho tôi dòng nước trong lành" (Tv 23,2). Chúng ta được săn sóc và sống an bình như chiên sống trong tay Đấng chăn chiên lành, tin tưởng vào Ngài trong mọi trạng huống của cuộc sống.

Người mục tử luôn đi tiên phong, đứng mũi chịu sào, mở đường an bình cho cả đòan chiên theo sau. Chiên nào nhận biết tiếng của người mục tử đi theo sự dẫn dắt của ngài. Mục Tử nhân lành gọi "tên từng con chiên một và "dẫn chúng đi ăn”!. Giave như là mục tử dẫn dắt cuộc xuất hành “dẫn đưa” Israel ra khỏi nhà nô lệ (x. Ex 3,10; 6,27; Lv 19,36). Cựu Ước còn loan báo trước: Đấng Thiên sai sẽ đến như một mục tử Người sẽ chăn dắt (x. Mk 5,3), Ngôn sứ Edêkien nhấn mạnh " Ta sẽ cho chỗi dậy một mục tử duy nhất, Người sẽ chăn dắt chúng" (Ed 34,23) .

Chúa Giêsu là Người mục tử nhân lành, Người Mục tử cũng chính là cửa của chuồng chiên. Cửa cho đàn chiên  ra vào. Với hình ảnh đơn giản trong 3 câu ngắn ngủi, Ngài đã hai lần lặp lại: “Tôi là cửa”, “Tôi là cửa chuồng chiên”. Tất cả những kẻ đến trước đều là trộm cướp và chiên đã không nghe chúng. Tôi là cửa, ai qua Tôi mà vào thì sẽ được cứu rỗi” (Ga 10,8-9)…

Cửa là để mở ra hay đóng lại: Mở ra cho kẻ ở ngoài vào trong hay ở trong ra ngoài.  Đóng lại để ngăn cản cả trong lẫn ngoài: Nội bất xuất, ngoại bất nhập.

Sách cổ có ghi: ‘‘Thùy năng xuất tất do hộ” : Ai ra vào nhà cũng đều phải qua cửa.

Cửa xác định ai là kẻ trộm, kẻ cướp, và ai là mục tử chính danh như Chúa Giêsu đã khẳng định: ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử” (Ga 10,2).  Ai không qua cửa mà vào, nhưng lại trèo vào  lối khác, là không đến với đàn chiên một cách chính thức, thì kẻ ấy là kẻ trộm và kẻ cướp. Tác giả A. Marchadour suy niệm: "Cửa chuồng chiên" khi nói thế, Đức Giêsu muốn minh định mình là lối vào duy nhất để gặp được đoàn chiên: “để đến với đoàn chiên, hình ảnh của dân Thiên-Chúa, phải đi qua Đức Giêsu. Ngoài ngài ra, không còn cách nào để đến với dân Chúa và với sự sống" (A. Marchadour, "Tin Mừng theo thánh Gioan", Centturion, 1992,p.143).

Sách Giáo lý Công giáo nói về sứ mạng Giáo Hội trong tương quan với sứ mạng của Chúa Giêsu: “Giáo Hội là chuồng chiên với Chúa Kitô là cửa vào độc nhất và cần thiết. Giáo Hội cũng là đàn chiên mà chính Thiên Chúa đã công bố rằng Ngài sẽ là mục tử, và những con chiên, dầu có những mục tử loài người dẫn dắt, nhưng chúng luôn luôn có chính Chúa Kitô hướng dẫn và nuôi dưỡng, vì Ngài là chủ chăn tốt lành và là ông hoàng của các chủ chăn. Ngài đã thí mạng sống mình vì các chiên của Ngài”.

Chúa Giêsu là cánh cửa mở rộng mời đón tất cả mọi người, Ngài là cửa biết đóng lại đúng lúc để bảo vệ những ai đã vào trong khỏi sói dữ, khỏi gió bão, và khỏi bất cứ sự dữ nào từ bên ngoài. Ngài là cửa dẫn tới sự sống: "Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu, người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ" (Ga 10,9). Ai đến với Đức Giêsu sẽ cảm thấy được tự do, được no thỏa trong nguồn mạch ân sủng và tình yêu của Ngài

Sống trong đoàn chiên của Giáo Hội, chúng ta được Chúa Giêsu mục tử luôn chăm sóc, bảo vệ, đi đến sự sống qua Cửa Chuồng Chiên. Ngài cũng gọi các linh mục tu sĩ trở nên mục tử đi qua Cửa là chính Ngài. Chúng ta xin cho những vị mục tử mang trái tim của Chúa Giêsu mục tử: Say mê Thiên Chúa và say mê con người, hy sinh đời mình để bảo vệ đoàn chiên và dẫn đưa chúng con đến với Chúa là Nguồn Sống thật. Các vị mục tử biết hăng say làm việc tông đồ, khao khát làm cho muôn dân trở thành môn đệ Chúa. Cho có nhiều ơn gọi nhìn vào Chúa Giêsu mục tử để tiến bước vào sứ vụ…

Như Chúa Giêsu là cửa chuồng chiên và là người mục tử: người mang sứ vụ mục tử hôm nay đi vào đoàn chiên và phục vụ đoàn chiên là người qua chính cửa mà vào. Thật thế, người mục tử chân chính mang cung cách phục vụ như  Chúa Giêsu  đã phục vụ, nghĩa là sẵn sàng hiến thân cho và vì tha nhân : Người mục tử sẵn sàng hy sinh vì đoàn chiên như Chúa Giêsu đã tuyên bố: "Tôi hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên" (Ga 10,12b). Hy sinh mạng sống vì chiên, một tình yêu vĩ đại: "Không có tình yêu nào cao vời cho bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu" (Ga 15, 13).

Ngày Chúa Nhật Chúa Chiên lành, ngày cầu nguyện cho ơn gọi linh mục tu sĩ, chúng ta luôn cầu xin trong Gíao Hội luôn có những Mục tử như lòng Chúa mong ước, mục tử đi qua cửa…

Tôi, bạn cũng trở nên người biết lắng nghe tiếng Chúa như chiên nghe và biết nhận tiếng mục tử đề đi trong sự an bình như Thánh vịnh gợi mở :


"Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì
…Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính
…dầu qua lũng âm u
con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng"
                                         (Tv 23,1.3.4)

Thật thế,


Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi,
hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn
                          (Tv 62,2).

   ( Lm. Vinh Sơn scj )




Tĩnh nguyện Mùa Chay 2016 tại Nhà Nguyện Trung tâm Mục vụ Saigon

Chủ đề :  " NỖI ĐAU CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT "


























Thứ Hai tuần IV mùa Phục Sinh

Lời Chúa: 
Ga 10,1-10



1 Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Thật, Ta bảo thật cùng các ngươi, ai không qua cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào lối khác, thì người ấy là kẻ trộm cướp. 2 Còn ai qua cửa mà vào, thì là kẻ chăn chiên. 3 Kẻ ấy sẽ được người giữ cửa mở cho, và chiên nghe theo tiếng kẻ ấy. Kẻ ấy sẽ gọi đích danh từng con chiên mình và dẫn ra. 4Khi đã lùa chiên mình ra ngoài, kẻ ấy đi trước, và chiên theo sau, vì chúng quen tiếng kẻ ấy. 5 Chúng sẽ không theo người lạ, trái lại, còn trốn tránh, vì chúng không quen tiếng người lạ".
6 Chúa Giêsu phán dụ ngôn này, nhưng họ không hiểu Người muốn nói gì. 7 Bấy giờ Chúa Giêsu nói thêm: "Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ta là cửa chuồng chiên. 8 Tất cả những kẻ đã đến trước đều là trộm cướp, và chiên đã không nghe chúng. 9 Ta là cửa, ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của nuôi thân.10 Kẻ trộm có đến thì chỉ đến để ăn trộm, để sát hại và phá huỷ. Còn Ta, Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét